PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Vì gia đình khó khăn: Nữ sinh bị viêm não có nguy cơ không được chữa tiếp

Vì gia đình khó khăn: Nữ sinh bị viêm não có nguy cơ không được chữa tiếp

Vì gia đình khó khăn: Nữ sinh bị viêm não có nguy cơ không được chữa tiếp


Hoàng Thị Mai Ly đang chữa bệnh viêm não herpes tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), nhưng do gia đình khó khăn, nên đã không còn khả năng chi trả viện phí.


Em Hoàng Thị Mai Ly (ở Minh Quang, Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) bị viêm não virus Herpes, đang nằm tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân sẽ phải điều trị thuốc kháng virus trong 21 ngày để khống chế virus... Các bác sĩ, điều dưỡng luôn động viên gia đình Ly để em được chữa trị. Tuy nhiên, mới chỉ qua được 10 ngày điều trị, gia đình em đã không còn khả năng trang trải chi phí điều trị.


Chữa hơn 10 ngày, bệnh chưa đỡ

Ly là sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng sư phạm mầm non Tam Đảo và đang thực tập, chuẩn bị tốt nghiệp thì mắc bệnh. Em được đưa xuống BV Bạch Mai vào ngày thứ 4 của bệnh, khi đã hôn mê. Nguyên nhân hôn mê được chẩn đoán do viêm não virus Herpes - một căn bệnh không thường gặp, nhưng diễn biến rất nặng nề. Do hôn mê nằm bất động nhiều ngày, lại thở máy, nên Ly còn bị viêm phổi và bội nhiễm vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Không có bảo hiểm y tế, mỗi ngày chi phí tiền thuốc của Ly lên tới 5-6 triệu đồng.


Theo BS Nguyễn Quốc Thái - người trực tiếp điều trị cho Ly: “Sau 10 ngày điều trị, kết quả xét nghiệm dịch não tủy của bệnh nhân vẫn còn virus Herpes, nên chưa thể ngừng điều trị thuốc kháng virus”. Điều đó đồng nghĩa với việc các chi phí thuốc men, chăm sóc cho Ly chưa được giảm bớt.


Từ khi Ly nhập viện, hầu như bác Vũ Thị Thảo, mẹ Ly, là người duy nhất chăm sóc Ly. Bố Ly là thương binh, từ tháng 10 năm ngoái lại bị viêm đa khớp, nên đi lại khó khăn. Chị gái Ly cũng mới sinh con được 5 tháng, em gái cũng là sinh viên. Mẹ Ly là trụ cột của gia đình. Ngoài làm ruộng, bác cũng chỉ tăng gia thêm được đàn gà, con lợn. Lứa lợn bán mới đây, bác Thảo cho biết cũng bị lỗ, vì mua giống thì cao mà giá bán rất thấp.


Gia đình muốn xin về


Gia đình Ly đã đóng viện phí 80 triệu đồng. Khoản cuối cùng 10 triệu đồng mà bác Thảo mới đóng là do vay được của người thân, xóm giềng. Việc chi phí điều trị còn tăng trong thời gian tới đã thành gánh nặng với gia đình. Không biết xoay xở tiếp ra sao, bác Thảo đã nhiều lần nuốt nước mắt, xin các BS cho Ly về nhà. Trước đó, sổ đỏ nhà bác Thảo cũng đã được mang đi cầm, vay được 50 triệu đồng.


Điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Nguyệt cho biết: “Hiện Ly đã mở được mắt và dù chưa nhận biết được bằng tri giác, nhưng đó cũng là tín hiệu việc điều trị có hiệu quả. Vì không có tiền chi trả mà phải dừng điều trị thì rất tiếc. Bệnh nhân về nhà chắc chắn sẽ tử vong. Hơn nữa, Ly còn quá trẻ, tương lai còn dài. Vì thế, chúng tôi ai cũng động viên gia đình cố gắng”.


Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) đã nhờ Báo Lao Động đưa thông tin về bệnh nhân đến với cộng đồng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chỉ với sự chung sức của những tấm lòng hảo tâm lúc này mới có thể giúp em Hoàng Thị Mai Ly vượt qua cơn bạo bệnh.


Virus Herpes sau khi xâm nhập cơ thể, thường cư trú ở các hạch hệ thần kinh gần vùng đầu cổ, góc hàm. Khi cơ thể có những thay đổi về sinh lý hoặc miễn dịch, virus Herpes tái hoạt động, theo dây thần kinh lên não và gây viêm não. Mỗi năm, khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 50-60 trường hợp bệnh này. Bệnh thường diễn biến nặng, nhưng có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện và điều trị sớm theo đúng phác đồ. Những trường hợp còn di chứng sau điều trị đòi hỏi phải nỗ lực chăm sóc và tập phục hồi chức năng, đặc biệt là ở các khía cạnh giao tiếp và ngôn ngữ. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Để hạn chế nguy cơ bị bệnh, những người có tổn thương mụn phỏng rát quanh môi miệng nghi do virus Herpes gây ra nên điều trị triệt để bằng thuốc kháng virus. Việc điều trị lúc này chỉ cần sử dụng thuốc uống, không phải tiêm, nên dễ dàng hơn. (Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái).






via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét