Sở GDĐT TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở giáo dục về việc tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, căn tin trường học.
Sau sự việc khoảng 100 học sinh Trường Tiểu học Long Binh (Q.9) bị ngộ độc sau bữa trưa tại trường ngày 18.4 vừa qua, Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Thị Kim Thanh đã ký công văn khẩn đề nghị lãnh đạo Phòng GDĐT, Hiệu trưởng các đơn vị trường học có tổ chức bữa ăn bán trú, căn tin trường học khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các bếp ăn căn tin trường học.
Theo đó, với các trường không có bếp ăn bán trú chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp xuất ăn đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Cơ sở chế biến phải bảo đảm vệ sinh, đúng qui trình chế biến thực phẩm 1 chiều. Xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng bảo đảm ATVSTP. Không chọn những cơ sở cung cấp xuất ăn quá xa trường, bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không được quá 2h. Thực phẩm sau khi chế biến quá 2h phải hâm nóng lại trước khi cho học sinh ăn.
Nhà trường định kỳ cử cán bộ phụ trách bán trú tham quan, kiểm tra đột xuất đơn vị cung cấp xuất ăn để đánh giá một cách khách quan cơ sở chế biến về đảm bảo vệ sinh khi chế biến, chất lượng các thực phẩm đầu vào, quá trình chế biến, thực phẩm chế biến xong trước khi cho học sinh ăn có bảo đảm chất lượng và vệ sinh. Tránh chọn những món dễ gây ngộ độc thực phẩm khi chế biến như cơm chiên dương châu vì phải để cơm nguội, thực phẩm chế biến để nguội lạnh…dể bị ôi thiu.
Các trường phải cử Ban giám hiệu phụ trách bán trú, bếp trưởng, hoặc nhân viên y tế ăn thử tất cả các loại thực phẩm trước khi cho học sinh ăn lập sổ ghi lại cảm nhận về mùi, vị và phải ngừng không cho học sinh ăn nếu cảm nhận có dấu hiệu thực phẩm không bảo đảm an toàn. Thực hiện lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định trong 24h, có sổ ghi chép việc thực hiện lưu mẫu.
Với các trường tổ chức bếp ăn bán trú tại trường phải đảm bảo quy định bếp một chiều, phân biệt dụng cụ sống - chín, thức ăn nấu chín phải có dụng cụ che đậy, ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các công ty có tư cách pháp nhân…
Ban giám hiệu, bếp trưởng hoặc nhân viên y tế giám sát thực hiện kiểm tra 3 bước: Nguồn thực phẩm đầu vào, khi chế biến, lúc thành phẩm trước khi cho học sinh ăn. Tất cả nhân viên làm việc ở bếp ăn và căn tin đều phải tham dự lớp tập huấn về ATVSTP và được cấp giấy chứng nhận.
Đối với những trường tổ chức căng tin tại trường phải tăng cường công tác tự kiểm tra VSATTP đối với căn tin trong trường, căn tin đảm bảo luôn sạch sẽ, cách xa nguồn ô nhiễm, thực phẩm phải có đồ che đậy, có tủ kính đựng thực phẩm để trên kệ cao. Không bán những mặt hàng đồ chơi, kẹo bánh trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không xuất xứ và không rõ hạn sử dụng. Chỉ hợp đồng với các đơn vị, cá nhân kinh doanh căn tin trường học khi đơn vị, cá nhân đó cam kết bán hàng hợp vệ sinh, xuất xứ rõ ràng, chất lượng và đạt tiêu chuẩn.
Trước đó, ngày 18.4 đã xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Long Bình quận 9. Có khoảng 100 em trong số 545 học sinh ăn trưa bị ngộ độc thực phẩm. Thực đơn các em ăn là cơm chiên Dương Châu, canh súp và bánh Flan do Công ty THHH-MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan cung cấp.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét