Sử dụng thực phẩm cần hết sức cẩn trọng. Ảnh: Giang Huy
Theo số liệu thống kê các vụ ngộ độc thực phẩm những năm gần đây cho thấy hầu hết nguyên nhân gây ngộ độc là do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh: Salmonella, E.coli... Ngăn chặn đường xâm nhập của vi khuẩn vào thực phẩm sẽ hạn chế đáng kể các vụ ngộ độc xảy ra.
Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện tượng lây nhiễm chéo vi khuẩn vào thực phẩm đang khá phổ biến tại các bếp ăn gia đình, bếp ăn tập thể là nguyên nhân gây nên các vụ ngộ độc. Vi khuẩn gây bệnh thường tồn tại ở thực phẩm sống nhiễm chéo vào thực phẩm chín/thực phẩm ăn liền (quả chín, bún, bánh,...). Trong chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể, gia đình qua bàn tay, dao thớt, khăn lau, ruồi nhặng... tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm, các bà nội trợ cần: Tách riêng thịt và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác đã chế biến, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền (hoa quả, bún, nộm, giò chả). Sử dụng dao, thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các ngăn hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây bệnh, cần đun chín kĩ thực phẩm. Với rau quả ăn sống, phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn. Bảo quản thực phẩm tươi sống phải dưới 5 độ C trong ngày, bảo quản lâu hơn cần cấp đông.
Trong mùa hè khí hậu nóng bức, mọi người thường thích món ăn nguội mát, nhưng phải đảm bảo thời gian không quá 2 giờ sau khi nấu. Ngoài ra trong mùa hè, kem và nước đá cũng là nhóm thực phẩm có nguy cơ cao ô nhiễm vi khuẩn. Nước sạch tiệt trùng để làm nước đá, làm kem phải được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét