PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Lời cảm ơn của mẹ Phượng

Lời cảm ơn của mẹ Phượng

Đại diện Quỹ TLV Lao Động tặng quà từ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tới mẹ Phượng.


“Mẹ Phượng à! Chắc cụ đâu đó. Bà ơi. Bà ơi” - người đàn ông hàng xóm, cũng đã già lắm rồi, lọc cọc chiếc xe đạp đi tìm mẹ Phượng cho chúng tôi. Ở vùng ngoại ô Phúc Thọ này, đứa trẻ lên 5 cũng biết mẹ Phượng, mẹ của liệt sĩ Gạc Ma Kiều Văn Lập. Ở đất Long Xuyên này, ai cũng gọi mẹ chỉ giản dị là mẹ.



Nhắc đến đứa con trai đã hy sinh, người mẹ 84 tuổi bắt đầu dòng hồi ức xen giữa rất nhiều nước mắt.


Nó đi bộ đội mà nó trốn mẹ. Đêm trước hôm nó đi, mấy đứa bạn đến thăm mẹ mới biết. Nửa đêm, nó mới vào, bảo: “Mẹ ơi. Mai con đi rồi. Nhưng con không xin tiền mẹ đâu”. Bà đau lòng quá. Mà nào có cấm cản gì con đâu. 11 đứa con, 6 trai, 5 gái thì đã có 6 đứa vào quân ngũ. Nó xung phong đi bộ đội. Rồi lại xung phong ra đảo.


Hè năm 87, giữa mùa gặt, nó về thăm mẹ. Tay xách 2kg xoài mang từ miền Nam chạy ra tận cánh đồng. Xoài đã giập hết rồi. Hai bữa sau thì đi. Năm đó 25, nhắc chuyện vợ con, nó chỉ cười khì khì. Và từ bấy, không trở về nữa.


Bữa đó bà đang ở Cẩm Yên, đòi “cho tao về”. Đêm qua nằm thấy nó khác lắm. Có con bướm đen bay qua mặt. Không ngủ được. Cũng không ra thức. Cứ thế nào đó khang khác. Và linh cảm của mẹ cuối cùng đã thành sự thật. Kiều Văn Lập hy sinh ngày 14.3.1988, trên tàu HQ 604 bị bắn chìm ở Gạc Ma.


Bữa đó mẹ ngoài bếp, tay cầm hộp cau, nghe tin rồi thì khóc òa lên: Ối giời ơi, nó là Lập rồi. Bố ngồi trong nhà đập tay xuống giường thất thần: “Thôi chết rồi. Lập nhà mình rồi”. Bố thẫn thờ bước ra khỏi gian nhà. Cả tháng sau đó thương tiếc con tiều tụy chỉ còn da bọc xương. Đau quá. Thương con quá.


Trong mắt mẹ nó là đứa con ngoan, suốt ngày “mẹ ơi mẹ hời”, thương mẹ nghèo, đến khi xa nhà cũng không dám xin lấy một đồng.


Trong mắt cha, nó là đứa có chí tiến thủ. Suốt ngày ôm quyển sách. Đấy, một tủ sách. Quà gửi về, cũng là kỷ vật cuối cùng của liệt sĩ chỉ dăm cuốn sách tiếng Nga, một trong ấy, có hình minh họa là người Việt Nam đầu tiên chinh phục vũ trụ, anh hùng Phạm Tuân.


Ước mơ tới những chân trời xa xôi, nhưng khi được đi học ngành đóng tàu ở Ba Lan, nó đã nhường lại “ước mơ xuất ngoại” cho một người bạn để ra đảo. Bức thư đầu tiên của đời lính cũng là thư thông báo sẽ ra đảo thay vì đi nước ngoài.


“Bố đau lắm” - người em trai Kiều Văn Hùng, bộ đội phục viên, giờ là Phó Chủ tịch HĐND xã, đỡ lời mẹ. Bố ủng hộ anh Lập trong mọi quyết định. Bố hy vọng ở anh là đứa chịu học, chịu đọc, có chí tiến thủ, có hoài bão, có chính kiến. Và ngay khi nghe tin Lập hy sinh, bố nằng nặc dắt người con thứ xin cho nó tiếp tục ra đảo.


Nhà bấy giờ có một chị gái trong quân đội, một anh là thương binh, nhà lại quá nghèo, bác Nguyễn Thị Định ở Bộ Quốc phòng nói giao tỉnh bố trí cho một người đi xuất khẩu lao động. Nhưng bố bảo: “Con tôi, nó sẽ ra đảo theo anh nó”.


Chúng tôi thắp một nén nhang trên bàn thờ liệt sĩ và trao tận tay mẹ món quà nhỏ của chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, dẫu là chẳng món quà hay sự đền đáp nào có thể bù đắp được những mất mát của mẹ. Bức ảnh liệt sĩ treo rất cao. Như thế để mẹ mỗi độ ngả lưng có thể thấy anh. Năm hy sinh ngoài Gạc Ma, anh mới 26 tuổi.


Khi chia tay, mẹ Phượng níu mãi chúng tôi: Nó cũng to cao như thế này này. Giờ nó còn sống, có lẽ cũng trạc tuổi con. Và hoàn toàn bất ngờ, mẹ nói 2 chữ: “Cảm ơn”: Cảm ơn các con.


Một ai đó chúng tôi tỏ vẻ ái ngại khi để mẹ Phượng phải nói lời cảm ơn. “Không mẹ ơi. Chúng con. Chính chúng con phải nói lời cảm ơn mẹ chứ”. Cảm ơn mẹ đã có một người con anh hùng lấy máu mình để gìn giữ từng tấc núi, thước sông của tiền nhân. Cảm ơn mẹ đã bao năm rồi chịu đựng nỗi đau chưa được đón anh về.


Nhưng chúng tôi hiểu lời cảm ơn của mẹ. Mẹ Phượng, cũng như bao bà mẹ Việt Nam anh hùng khác trên mảnh đất hình chữ S này nói lời “cảm ơn” không vì món quà vật chất, dù đó thơm thảo là những tấm lòng bạn đọc báo Lao Động trên khắp đất nước. Mẹ cảm ơn vì lại một lần được nói, được kể về đứa con đã hy sinh vì tổ quốc với nỗi đau xen lẫn sự tự hào.



Tin bài đọc nhiều




  • Xây dựng ga đường sắt đi vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp




  • Xe tải mất lái, lao vào đoàn người dừng đèn đỏ




  • Liệu thần may mắn có mỉm cười với người phụ nữ ve chai nghèo phát hiện 5 triệu yen Nhật trong chiếc loa cũ?




  • Đau lòng bé gái bị bỏ rơi trong tủ bánh mỳ




  • Khai thác cát, xúc luôn mộ phần người chết




  • Đi tìm lời giải cho “thần y” 9 tuổi chỉ... húc đầu mà chữa bách bệnh




  • Hà Nội: Va chạm giữa 2 xe máy, một người văng xa 25m




  • Xe buýt mất lái, đâm loạn xạ giữa phố










via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét