Cách thức này - theo lý giải của các cơ quan chức năng - nhằm hạn chế “cò” hoạt động, nhưng thực chất khách và chủ tàu đều thua thiệt, chỉ có Cty BX-BT QN hưởng lợi.
Ngay khi áp dụng hình thức này, từ ngày 1.1.2014, hàng loạt các chủ tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long đã có ý kiến phản đối. Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các DN mới đây, Chi hội tàu du lịch Hạ Long lại làm “nóng” hội trường khi tiếp tục nêu ra vấn đề trên.
Trước đây, việc thuê và cho thuê tàu là do khách và chủ tàu quyết định. Nhưng, từ 1.1.2014, chủ tàu chỉ có quyền quyết định vấn đề trên với số khách đã đăng ký trước 16h30 hôm trước; còn từ thời điểm đó cho đến cuối ngày hôm sau là do Cty BX-BT QN sắp xếp và được hưởng 5% từ tiền cho khách thuê tàu.
“Có khi cả ngày hôm sau chúng tôi ngồi chơi, dù khách quen hoặc do các mối quen cung cấp đến khá đông, nhưng vì hôm trước chưa đăng ký, nên Cty BX-BT QN điều phối cho các chủ tàu khác” - một chủ tàu bức xúc. Nói chủ trương này nhằm hạn chế các chủ tàu trốn thuế thì cũng không đúng, bởi mỗi chuyến dù nhiều hay ít, mỗi tàu vẫn phải đóng thuế từ 80.000 - 90.000 đồng/giờ.
Cty BX-BT QN “giúp” khách thuê tàu theo hai hình thức:1,6 triệu đồng/chuyến hoặc 100.000 - 150.000 đồng/người/lượt. Nếu ít khách, có thể áp dụng mức 1,6 triệu đồng/chuyến; trong trường hợp 15 khách trở lên thì áp dụng phương án 2. Trong khi đó, hợp đồng trực tiếp với chủ tàu, khách chỉ phải trả từ 1.000.000-1.400.000 đồng/chuyến.
“Hầu hết khách của chúng tôi đều do các mối quen cung cấp. Khách được các mối đưa đón ra tận bến cảng, và ra cảng thường là đi thăm vịnh luôn. Nhưng, thuê tàu của chính chúng tôi qua Cty BX-BT QN, khách thường phải đợi khá lâu vì họ còn phải gom khách, mà càng đông thì hoa hồng càng cao” - ông chủ của một đội tàu du lịch cho biết.
Bất cập, chủ tàu mất mối khách quen
Thực tế, không phải khách nào cũng ấn định thời gian đi thăm vịnh cụ thể; thậm chí đăng ký nhưng sau đó lại đổi lịch. Vì thế, áp dụng chính sách này, cả chủ tàu và khách thiệt đủ đường.
“Có nhiều khách quen do tắc đường, đổi lịch bay nên tới Hạ Long sau 16h30. Khi đó mới quyết định hôm sau đi thăm vịnh thì nghiễm nhiên số khách này thuộc về Cty BX-BT QN” - một chủ tàu khác xin được giấu tên bức xúc - “Một nhóm khách đã đăng ký từ hôm trước, nhưng hôm nay mời thêm được một số bạn bè đi cùng thì số mới này hoặc phải đi ngày hôm sau, hoặc phải thuê tàu khác do Cty BX-BT QN chỉ định”.
Theo các chủ tàu, để có nguồn khách ổn định không phải dễ, bởi họ phải có quan hệ tốt với các cty du lịch, các nhà hàng khách sạn.
“Nếu cứ đợi Cty BX-BT QN phân bổ khách cho tàu của mình thì có khi vài ngày mới được chuyến. Nhưng, với chủ trương “đăng ký hạn chót 16h30”, nhiều khi họ vô tình mất khách vào tay Cty BX-BT QN” - một chủ tàu tên M chia sẻ - “Cách làm đó khiến các chủ tàu năng động trong việc tìm nguồn khách nản lòng, ảnh hưởng đến cả nguồn cung cấp khách hàng của chúng tôi.”
Có một điều lạ, tại sao việc áp dụng “đăng ký hạn chót 16h30” chỉ thực hiện ở cảng tàu du lịch Bãi Cháy - nơi có số lượng tàu du lịch áp đảo - trong khi ở các cảng Vinashin, Tuần Châu thì lại không?
Và, không biết dựa vào đâu, Cty BX-BT QN lâu nay yêu cầu các chủ tàu phải cung cấp các hợp đồng đã ký với các khách hàng, trong khi, Cty BX-BT QN cũng chỉ là doanh nghiệp đơn thuần, còn HĐ là “chuyện bí mật, nguồn khách riêng của mỗi chủ tàu”?
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử