Bước đầu cơ quan điều tra xác định một số nhân viên và lãnh đạo nhà máy đã thiếu trách nhiệm dẫn đến việc mất thiết bị này. Xác định “Có dấu hiệu của tội chiếm đoạt chất phóng xạ được quy định tại điều 236 Bộ Luật hình sự và tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ được quy định tại điều 237 Bộ Luật hình sự”.
Trước đó, cơ quan công an đã làm việc với ông Đào Đức Hùng (55 tuổi, nhân viên phụ trách an toàn bức xạ cũ). Ông Hùng cho biết: Do tháng 9-2014 một dây chuyền sản xuất của nhà máy có sự cố nên phải ngừng hoạt động, nguồn phóng xạ được tháo dỡ cất vào kho số 3. Tuy nhiên, do công nhân phản ứng vì sợ nguy hiểm nên ngày 11-11-2014, nhà máy đã chuyển nguồn phóng xạ để bên hông kho số 3. Sáng 17-11-2014, khi kiểm tra phát hiện nguồn phóng xạ bị mất ông Hùng đã báo cáo với lãnh đạo công ty nhưng mãi đến ngày 25-3, thông tin về nguồn phóng xạ bị mất mới được công khai.
Cũng trong cùng ngày hôm nay, ông Mai Thanh Quang - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết trong hai ngày cuối tuần vừa qua, ông cùng các đơn vị liên quan đã trực tiếp xuống nhà máy thép Pomina3 để tìm kiếm nguồn phóng xạ. Trong thời gian tới, Sở sẽ lên phương án tìm kiếm lâu dài và mở rộng địa bàn tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc. Lãnh đạo Sở cũng cho hay sẽ lên kế hoạch để kiểm soát chặt chẽ đối với các nguồn phóng xạ có trên địa bàn.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét