PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Câu chuyện kỳ diệu của chàng trai 30 tuổi bắt đầu tập đi

Câu chuyện kỳ diệu của chàng trai 30 tuổi bắt đầu tập đi

Đến thăm vợ chồng anh Hiếu ở nhà, chúng tôi ngạc nhiên bởi trông anh trẻ hơn nhiều so với tuổi 30. Khuôn mặt thư sinh với cặp kính trắng, anh luôn nở nụ cười vui vẻ như thể trong cuộc đời chưa hề trải qua biến cố lớn như vậy. Bên chân mất được lắp chân giả, anh Hiếu đi lại khá bình thường. Ai từng biết chuyện anh Hiếu bị tai nạn giờ hỏi thăm, bác Giao Thị Hồng - mẹ anh - luôn mở đầu: “Thời kỳ đen tối đã qua. Niềm vui đã trở lại trong gia đình tôi rồi”.


Tai nạn xảy ra khi anh Hiếu đang là kỹ sư sửa chữa, đại tu tổ máy ở nhà máy thủy điện. Cánh cửa điều tiết nước đóng lại khi anh Hiếu chưa kịp thoát ra. Toàn bộ một bên chân và nửa khung xương chậu bị dập nát hoàn toàn. Sau khi sơ cứu, anh Hiếu được đưa ra bệnh viện ở tuyến trên. Ca mổ cấp cứu ngay đêm hôm đó đã mở thông bàng quang, làm hậu môn nhân tạo tạm thời cho anh. Tuy nhiên, các bác sĩ tiên lượng, nếu tiếp tục tháo khớp, cắt bỏ toàn bộ chân và hông bị dập nát có thể khiến người bệnh không qua được; nếu để lại, có thể sẽ duy trì sự sống thêm được ít ngày. Cả gia đình tuyệt vọng đưa anh Hiếu về nhà để có cơ hội gặp người thân lần cuối.


Nhờ có sự chăm sóc của bố và chú - đều là bác sĩ, Hiếu được truyền đạm, máu, kháng sinh liều cao và giảm đau, các chức năng sống của Hiếu vẫn duy trì. Anh còn sống và đặc biệt dần dần có thể ăn được sữa, rồi cháo. Các vết thương dập nát đã bắt đầu thối rữa bốc mùi, nhưng tổ chức lành cũng sản sinh bù lại những phần đã mất, điều đó đem lại niềm hy vọng cho mọi người. Thế nên, có bất cứ lời giới thiệu đến bệnh viện nào, gia đình lại gọi xe đưa đi ngay. Tuy nhiên, cứ nhìn thực tế thì các bác sĩ lại lắc đầu. Cứ như thế, trong 2 tuần, Hiếu được chuyển tới 4 bệnh viện, đến rồi lại về, có nơi còn chưa kịp nhập viện.


Chị Lê Thị Mỹ Hằng - vợ anh Hiếu - nhớ lại: “Lúc đó, em cảm nhận thật rõ, ảnh đã sống với mọi người như thế nào để được đáp lại như vậy. Do vết thương hoại tử lâu ngày, ngồi cạnh một lúc cũng bị lẫn mùi vào quần áo. Dù nhà em cách nơi làm việc của anh Hiếu hơn 200 cây số, nhưng các đồng nghiệp của ảnh vẫn thường xuyên đến chăm sóc”.


Phục hồi kỳ diệu


Sau 2 tuần cầm cự, cơ thể người bệnh đến lúc suy kiệt. Những cơn sốt cao ly bì do nhiễm trùng kéo dài. Thuốc giảm đau liều cao không còn kết quả. Đến ngày thứ 16, không ai nghĩ được còn nơi nào để đến thì có người giới thiệu tới Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec. Không như những lần trước, anh Hiếu được giữ lại. Toàn bộ vết thương đã được các điều dưỡng bệnh viện lau rửa, gắp hết những “dị vật sống” trong hàng giờ đồng hồ, ngay lúc nửa đêm về sáng. GS Đỗ Tất Cường - Phó Tổng giám đốc bệnh viện - trực tiếp đến buồng bệnh và yêu cầu phẫu thuật ngay, bởi chậm trễ thêm sẽ khiến người bệnh nguy kịch.


Ngồi bên anh Hiếu kể lại câu chuyện, chị Mỹ Hằng bỗng nắm chặt tay chồng nói: “Giữa những ngày chẳng biết thế nào ấy, có lúc ảnh nghĩ đến việc giải phóng cho em rồi. Hai vợ chồng em lúc đó chẳng còn biết làm gì ngoài việc ôm nhau khóc. Có ai ngờ lại được ngồi bên nhau, nhớ lại chuyện cũ mà vui như bây giờ”.


Ba ngày sau mổ, Hiếu vẫn không tin là mình đã qua được giai đoạn nguy kịch nhất. Nằm ở khoa hồi sức tích cực 2 tuần với những thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, dưới sự chăm sóc trực tiếp của GS Cường, anh đã có sức mạnh, sau đó là hơn 4 tháng điều trị ở khoa ngoại để chăm sóc vết thương và phục hồi chức năng. Để người bệnh có thể đi tiểu qua đường tự nhiên, các bác sĩ khoa ngoại tiết niệu Vinmec cũng đã khâu kín lỗ rò bàng quang, đồng thời tạo vạt che phủ.


Anh Hiếu nhớ lại lần đầu tiên được được đưa ra khỏi phòng bệnh. Khi đó, anh hỏi BS Nguyễn Đắc Nghĩa - Trưởng khoa Ngoại: “Bao lâu nữa cháu được ra ngoài?”. Bác sĩ trả lời: “Bây giờ thôi”. Rồi bác sĩ Nghĩa tự tay bế Hiếu lên xe lăn, đẩy ra hành lang. “Đó là giây phút hạnh phúc nhất ở khoa ngoại. Lúc đầu, em chỉ mong là có thể nằm và mọi người không phải chăm sóc nhiều. Nhưng việc được ra khỏi buồng bệnh cho em hy vọng không phải nằm tại chỗ nữa. Em như được tiếp thêm động lực để cố gắng ngồi dậy và ngày nào đó sẽ đứng lên”.


BS Nguyễn Đắc Nghĩa - một chuyên gia chấn thương chỉnh hình dày dạn, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trong nhiều ngày - cũng đã bị ấn tượng mạnh bởi chàng trai. Có lần, ông hỏi: “Cháu có biết anh Nick Vujicic không có cả chân lẫn tay, nhưng đã đi khắp thế gian và trở thành người nổi tiếng?”. Câu hỏi ấy như lời thách thức Hiếu nỗ lực phục hồi. Ngay cả lúc vết thương còn chưa tiến triển như mong muốn, Hiếu đã bắt đầu tập để dần phục hồi cho đôi tay và chân. Rồi tới các bài xoa bóp đầu ngón chân tay tạo lưu thông máu, tập tạ, những giờ tập miệt mài cho đôi chân đứng vững và đi trở lại. “Em đặt kế hoạch từng bước để tập đi. Mặc dù luôn được các bác sĩ ở khoa ngoại, đặc biệt là BS Nghĩa và vợ em hoặc bố mẹ hỗ trợ, nhưng kế hoạch luôn bị trễ. Có lẽ vì lúc đầu em quá tự tin. Sau mới hiểu, giống như một em bé bắt đầu chập chững, cũng phải mất nhiều ngày tập luyện rồi mới có thể tiến xa hơn. Thậm chí, lúc đầu cơ thể mất cân đối nên em luôn có xu hướng nghiêng sang 1 bên, còn phải dùng tay đỡ thêm bên kia mới cân bằng và mới quen được”, Hiếu tâm sự.


Thành công đến với chàng trai sau hơn 1 tháng xuất viện, anh được lắp chân giả và đã có thể đi lại trên chính chân của mình.


Ra Tết, nhà máy thủy điện nơi anh Hiếu làm việc chính thức đón hai vợ chồng anh trở lại làm việc. Với chị Hằng, nửa năm qua, “chuyện xảy ra như một giấc mơ, như một bộ phim Hollywood. Có lúc ảnh đã hỏi em muốn ở đâu, Nghệ An hay Đà Nẵng? Vậy mà bây giờ hai vợ chồng em lại có thể ở bên nhau”, chị nói. Còn với chúng tôi, ngay cả khi chia tay họ, vẫn thấy thật khó tin những gì mà chàng trai vừa trải qua biến cố lớn nhất của đời đã thực hiện được. Câu chuyện như một minh chứng về nghị lực của con người, sự tận tâm của các thầy thuốc, những tiến bộ trong y học luôn có thể đem lại những điều kỳ diệu và nhân văn nhất trong cuộc đời.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét