Đội giải cứu tê giác đang thực hiện việc tiêm thuốc độc vào sừng một con tế giác tại Nam Phi (ảnh do Dự án giải cứu tê giác cung cấp)
Đó là thông tin được đưa vào vào chiều 15.4, tại TPHCM tại buổi trò chuyện trực tuyến giữa tiến sĩ Lorinda Hern và bác sĩ Charles Van Niekerk trong dự án Giải Cứu Tê Giác mà họ đang thực hiện tại Nam Phi.
Tiến sĩ Lorinda là người sáng lập ra ý tưởng bảo vệ tê giác tại Nam Phi khỏi nạn săn bắt trộm bằng việc làm giảm giá trị của sừng tê giác trên khía cạnh thương mại. Để làm giảm giá trị sử dụng của sừng tê giác, họ tiêm vào sừng chúng một loại độc tố gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu để làm nhiễm độc và làm bẩn sừng, khiến sừng không còn có tác dụng chữa bệnh cũng như trang trí.
Dự án giải cứu tê giác của tiến sĩ Lorinda cùng các cộng sự đã bắt đầu thực hiện từ năm 2010 và phối hợp với Tổ chức Động vật hoang dã thế giới (WWF).
Trả lời trực tuyến, bác sĩ Charles Van Niekerk cho biết, độc tố ectoparasiticides sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Khi sử dụng sừng tê giác bị tiêm độc tố, người tiêu dùng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, đau đầu, co giật, thậm chí là tử vong. Những nguy cơ sẽ tăng tùy theo liều lượng hoặc hoàn toàn tùy thuộc vào việc độc tố phản ứng với cơ thể từng người. Với những người đang điều trị bệnh, việc sử dụng sừng tê giác sẽ làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Điều đó rất nguy hiểm đến sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, độc tố này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính mạng của loài tê giác cũng như những động vật sinh sống cùng chúng trong hệ sinh thái.
Tiến sĩ Lorinda giải thích thêm: “Dự án giải cứu tê giác không có ý định đầu độc người tiêu dùng. Nhưng đây là một giải pháp phá cách cho một vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Thực tế đáng buồn là chúng ta đang mất trung bình 3-4 con tê giác mỗi ngày vì những người săn trộm. Tôi tin rằng một khi công chúng sẽ ngừng việc tiêu thụ sừng tê giác khi biết chúng không chỉ không có tác dụng chữa bệnh mà còn gây nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe”.
Nhiều câu hỏi đặt ra sau khi thông tin trên được đưa ra là sức khỏe của nhừng người đã sử dụng sừng tê giác trong thời gian vừa qua có ảnh hưởng gì không? Tiến sĩ Lorinda cho biết, thực chất, loại độc tố được tiêm vào sừng tê giác có chứa rất nhiều kim loại nặng và nó không thể qua khỏi sự kiểm soát của các máy quét tại sân bay. Do đó, những sừng tê giác bị nhiễm độc sẽ không đến được tay người tiêu dùng. Và những kẻ săn trộm tê giác vì lý do đó mà cũng sẽ dần từ bỏ việc săn tê giác.
[Video] Tiến sĩ Lorinda chia sẻ hình ảnh tiêm thuốc độc vào sừng tê giác đang diễn ra tại Nam Phi thông qua màn ảnh trực tuyến:
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét