Ông Nguyễn Minh Tâm (CN tổ 1, đội 1) phản ánh: “Trước đây, mức bồi dưỡng độc hại chỉ 4.500 đồng/người/ngày, kể từ tháng 9.2012, tiền bồi dưỡng độc hại tăng lên 10.000 đồng/người/ngày. Hằng tháng, mỗi lao động làm việc đủ 25 ngày công, được nhận 11 lon sữa đặc có đường Trường Sinh và 1 bịch sữa tươi UHT 200ml - giá trị tương đương 250.000 đồng/người/tháng. Nếu đối chiếu với giá thị trường, chúng tôi đã bị ăn chặn và ăn bớt mỗi tháng 75.000 đồng. Đó là thu nhập không nhỏ của những người quanh năm làm nghề quét rác”.
Trong thực tế, ông Lương Khánh Thuận đã 4 lần ký hợp đồng mua sữa - tháng 11.2012 mua tại doanh nghiệp tư nhân DLTM Trường Thịnh ở 03/39/25 Dã Tượng, P.Vĩnh Nguyên, Nha Trang (HĐ số 94/HĐMB/2012 và HĐ số 98A/HĐMB/2012), mua 8.736 lon sữa Trường Sinh - giá 20.500 đồng/lon; tổng giá trị 2 HĐ gần 185 triệu đồng; tháng 12.2012 ký HĐ số 106/HĐMB với Cty TNHH Thanh Hoa (41 Quang Trung-TP. Nha Trang) và tháng 6.2013 ký HĐ số 49/HĐMB/2013 với hộ kinh doanh Nguyễn Đình Hòa (129 Trần Nhật Duật, Nha Trang), tổng cộng 2 hợp đồng mua 66.627 lon sữa đặc có đường Trường Sinh với giá 20.295 đồng/lon và 21.500 đồng/lon - tổng giá trị xấp xỉ 1,4 tỉ đồng.
Từ phiếu báo giá đến hợp đồng mua sữa trên, hóa đơn bán hàng và phiếu nhập kho đều ghi là “sữa đặc Ông Thọ có đường (Trường Sinh)”. Trong khi trên thị trường không hề có sản phẩm này mà chỉ có “Sữa đặc có đường Ông Thọ” nhãn hiệu Vinamilk và “Sữa đặc có đường Trường Sinh” nhãn hiệu Friesland Brands (Cô gái Hà Lan). Căn cứ bảng giá có hiệu lực của Công ty TNHH Friesland Campina VN, tại thời điểm nói trên, giá bán lẻ “Sữa đặc có đường Trường Sinh” dao động từ 15.500 -16.000 đồng/lon (đã tính VAT).
Nếu tính đúng, tính đủ, chỉ trong vòng 16 tháng, tổng số tiền bồi dưỡng độc hại của CN đã bị GĐ Lương Khánh Thuận ăn chặn xấp xỉ 400 triệu đồng (tương đương 25% tổng giá trị các hợp đồng). Và, nếu đối chiếu mức bồi dưỡng độc hại 10.000 đồng/người để cộng gộp cả khoản tiền bị bớt xén, con số ấy lên đến hơn 500 triệu đồng. Chỉ sau 4 lần ký HĐ mua sữa đã có thêm thu nhập (ngoài lương và bổng) tương đương với tổng tiền lương suốt 10 năm làm việc của 1 chuyên viên có trình độ ĐH mới tốt nghiệp ra trường (?!).
Thanh tra kiểu… bao che?
Ngày 11.9.2014, VPPVTT báo Lao Động đã gửi văn bản nêu rõ nội dung cần tìm hiểu và đề nghị lãnh đạo Sở Tài chính sắp xếp thời gian cho làm việc với Chánh Thanh tra Sở Tài chính cùng các thành viên trong đoàn.
Mặc dù GĐ Sở Tài chính Khánh Hòa Nguyễn Xuân Long đã “bút phê” và cử Chánh Thanh tra Nguyễn Thị Ngọc Hoa trực tiếp làm việc, nhưng rất tiếc, tất cả các cuộc hẹn sau đó đều bất thành, bởi vì bà Hoa bận đi học. Lần gặp duy nhất vào chiều 12.9, bà Hoa giải thích, trưởng đoàn chỉ tập hợp toàn bộ báo cáo đó rồi đưa vào kết luận chung trước khi trình lãnh đạo. Riêng báo cáo kết luận xác minh nội dung đơn tố cáo của CN Cty MTĐT Nha Trang đã được anh Vinh (PGĐ Sở Tài chính Khánh Hòa Lê Quang Vinh) chỉnh sửa, ký duyệt trước khi gửi lên UBND tỉnh... Theo cách ấy, bà chánh thanh tra Sở Tài chính Khánh Hòa không phải là người chịu trách nhiệm chính về những sai sót hay là không trung thực (nếu có) trong nội dung văn bản kết luận nói trên.
Lúc 16h30 ngày 22.9, trao đổi với PV Báo Lao Động qua điện thoại, bà Ngọc Hoa cho biết, nội dung văn bản trả lời đã trình lãnh đạo sở kiểm duyệt. Căn cứ nội dung công văn phúc đáp của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa do PGĐ Lê Quang Vinh ký ngày 23.9.2014, đoàn thanh tra do Sở Tài chính chủ trì đã hết trách nhiệm; hiện đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Thanh tra Nhà nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, khi nào có kết quả xử lý đối với kết luận thanh tra, UBND tỉnh sẽ thông báo trong cuộc họp báo gần nhất do UBND tỉnh tổ chức.
Đáng nói, trong văn bản phúc đáp nói trên của ông Lê Quang Vinh (dài khoảng 1,5 trang A4), nhưng không có 1 chữ...sữa! Và, hiển nhiên không đề cập đến việc “có hay không” thanh tra nội dung tố cáo của CN liên quan đến giá sữa (?!).
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử