PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Ham học… không ham hiểu biết

Ham học… không ham hiểu biết

“Người Việt hiếu học, ham học” gần như là một “định đề” một “tiên đề” một “mặc định” không được bàn cãi, một thứ “quốc túy”, một “phẩm chất cao đẹp” mà nghi ngờ sẽ là xúc phạm lòng tự hào dân tộc. Từ xửa xưa ta đã có một “trường đại học” còn ngày nay là cơ man những tấm gương ham, học hiếu học, chăm học và “cõng chữ lên núi”, “gieo chữ trên nương”, chui vào túi nilon đi gặt “cái chữ”.



Không ai dám hỏi tại sao ham học, hiếu học, chăm học đến như vậy (và “thông minh vốn sẵn tính trời” nữa) mà sự thịnh vượng trí tuệ của ta lại nghèo nàn. Đóng góp của người mình vào kho tàng trí tuệ của nhân loại từ xưa đến nay còn quá ít ỏi. Hiện nay thì chất lượng đào tạo ở mức báo động. Những người “thông minh, ham/hiếu/chăm học” ấy với các chứng nhận, bằng cấp “made in Vietnam” không đạt chuẩn cứ thất nghiệp không xin được việc làm ngay trên quê hương mình. Một khảo sát nêu nhận xét của các nhà tuyển dụng là; “Lý thuyết, thực hành đều yếu”.


Đồ họa kết quả khảo sát cho thấy trình độ người tốt nghiệp đi xin việc là: 50% không đạt, 30% trung bình, 15% khá và 5% tốt! (Tuổi Trẻ 22.5.2014). Và theo một thông báo trước đây cả năm khi khảo sát chất lượng giáo dục 8 nước ASEAN thì “quân ta” đứng thứ 7! Tình trạng thảm thương này không ai phủ nhận lý giải nhưng vẫn nhất quyết trung thành với tiên đề “người mình ham học và thông minh”. Chuyện thông minh không tính vì đố ai dám nói dân tộc mình hay một dân tộc nào khác là ngu dốt! Thậm chí chỉ là không thông minh!


Một GS. nước ngoài nói cần chấm dứt việc so sánh ĐH ta với ĐH nước ngoài hoặc đề ra mục tiêu vào Top 200 hay 500 trường tốt nhất. Hãy xây dựng ĐH đúng là đại học cái đã! Cái mà ta gọi là ĐH cổ kính nhất thế giới kia thực ra đâu phải ĐH. Thậm chí dùng tên gọi Văn Miếu làm biểu tượng trí tuệ quốc gia còn khiến cho người ngoài hiểu nhầm và kẻ xấu lợi dụng vu khống rằng, Việt Nam nội thuộc và “đồng chủng đồng văn” với đế quốc phương Bắc.


Một chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho ĐH Harvard (Mỹ) nhiều năm ở Việt Nam nói “giáo dục mang tính áp đặt, áp lực gia đình và xã hội theo hướng rập khuôn, triệt tiêu tính sáng tạo từ sớm, tạo ra những lỗ hổng lớn trong phát triển tiềm năng con người… Trong xã hội Mỹ, ngay từ lớp mẫu giáo đã khuyến khích trẻ tự do sáng tạo, vẽ con gà ba chân cũng không bị cô giáo rầy” (Thế giới Tiếp thị 25.5.2014).


Những điều ta dạy và con em ta học, bốn bên Nhà nước - thầy cô - phụ huynh - học sinh đều coi “hiển nhiên là đúng” và đáng quý như: Phải học cho cha mẹ vui lòng, cho vẻ vang gia tộc, học vì Tổ quốc, vì đồng bào, vì nhân dân lao động… hóa ra lại là sai hoặc chí ít là không đúng với nền giáo dục các nước “dân chủ, hiện đại, văn minh”. Sinh viên chán học, khổ sở khi học, không thích cái mình học… nhưng vẫn cố học, nhất quyết ham học vì mọi thứ trừ vì chính mình. Phải lộn ngược định đề này: Hãy chỉ học cái mình thích, chỉ học vì bản thân mình… Rồi kết quả học sẽ là vì gia đình, gia tộc, dân tộc, nhân quần!


Làm cuộc lộn ngược này khó hay dễ?


Ông bạn chưa già của tôi nói: “Khó vì truyền thống Văn Miếu - học giáo điều để vinh thân phì gia, vinh quy bái tổ quá dài, nặng và đoàn tàu GDĐT ta đang trật đường ray! Nhưng cũng không khó lắm nếu dám công nhận rằng người mình ham học mà không ham hiểu biết. Hiểu chân lý có kiến thức và biết là kỹ năng, là biết thực hành. Không ham hiểu biết thì cả lý thuyết lẫn thực hành đều yếu là tất nhiên. Tệ nữa là không ham hiểu biết thì khổ vì học, không vui sáng tạo. Ngay đến môn sử cận đại, thiết thân mà cũng không ai thắc mắc, đòi hiểu biết thêm về biển đảo, chiến tranh biên giới Bắc và Tây Nam 1979, Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 dù sách giáo khoa đề cập “quá mờ nhạt” để rồi cấp kỳ thời sự mới lo chỉnh sửa bản đồ in thiếu…


Môn tiếng Việt thì đọc chép, thuộc lòng văn mẫu không ham cái hay cái đẹp của tiếng nước mình, không ham dùng tiếng Việt để thể hiện “tư tưởng tình cảm của cá nhân mình”. Thế là mất hết cả cái vui, cái sướng khi học sử, văn. Với các môn khác cũng vậy! Sự ham học không ham hiểu biết còn dẫn đến thái độ thờ ơ, cung cách ứng xử tệ bạc với sự hiểu/biết cả sau khi ra trường, vào đời! Tóm lại ham “hiểu/biết vì bản thân hiểu/biết” là bản chất sự học, là cốt lõi hình thành cá nhân sáng tạo, là một phần của hạnh phúc. Phải chăng ta đang đánh rơi cái cốt lõi ấy của GDĐT và dân mình đang tự tước đoạt một phần hạnh phúc của mình, tự làm khổ mình khi ham học mà không ham hiểu biết!”.


Tôi nói: Quá hay! Hoan hô ông bạn chưa già!







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử