Một cửa hàng kinh doanh xe đạp, xe máy điện. Ảnh: Kỳ Anh
Trong lúc xe đạp điện chưa thuyết phục được khách hàng, thì xe máy điện xuất hiện như một giải pháp đón đầu bước chuyển của thị trường. Người tiêu dùng đua nhau đi sắm loại phương tiện giao thông này vì cho rằng nó rẻ, không phiền hà về mặt thủ tục đăng ký xe và bằng lái, trong khi vẫn góp phần bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, thực tế, xe máy điện lại đang làm “đau đầu” các cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý loại xe này thế nào sao cho “hợp tình, hợp lý”.
Người tiêu dùng “thoải mái”
Rảo qua thị trường buôn bán xe cộ tại các thành phố lớn, có thể thấy rõ một lượng lớn các loại xe máy điện đã xuất hiện ở các đại lý với sự đa dạng về chủng loại và phong phú về kiểu dáng. Ngoài các mẫu xe như VT9, X-Men 9, Butterfly.... còn có rất nhiều chủng loại xe nhập nguyên chiếc hay đã qua sử dụng từ Đài Loan, Trung Quốc và nhiều nguồn khác nhau, từ chính thống đến cả nhập lậu...
Anh Hoàng Hà - nhân viên của một cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện trên phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội cho biết: “Xe máy điện có thể đạt tốc độ tương đương như các loại xe máy thông thường khác, đi được quãng đường dài khoảng 70 - 75km với tải trọng đến 170kg”. Không chỉ có mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú và bắt mắt, giá bán các loại xe máy điện cũng khá rẻ, từ khoảng 7,5 - 10 triệu đồng/chiếc. Anh Hà cho biết, trung bình một tháng, cửa hàng của anh bán được khoảng 100 - 300 xe máy điện thuộc các loại khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ nhân của chiếc xe máy điện hiệu Emoto hào hứng phân tích: “Trong tương lai, xăng chắc chắn sẽ còn lên giá, với tình trạng đường sá ngày một quá tải như hiện nay thì xe máy điện là một phương tiện thay thế hữu hiệu. Vi vu cùng chiếc xe máy điện không những có thể bỏ ống heo số tiền mua xăng để cải thiện bữa ăn cho gia đình mà còn giúp bảo vệ môi trường vì xe không thải khói".
Đồng tình với chị Lan, chị Mai Chi - một người tiêu dùng đang sở hữu một chiếc xe máy điện nhập khẩu từ Trung Quốc - cũng cho hay: “Tôi chọn mua xe máy điện vì nó chả khác xe máy thật là mấy. Trong khi đó, giá của loại xe này khá “kinh tế”, trong thời gian sử dụng tiết kiệm được việc mua nhiên liệu rất nhiều, đồng thời lại còn được tiếng “người tiêu dùng không gây ô nhiễm môi trường”.
Không chỉ sắm cho mình một chiếc xe máy điện, chị Chi còn sắm cả cho con gái của mình là cháu Mai Dương - hiện đang theo học tại một trường phổ thông tại quận Đống Đa, Hà Nội - một chiếc xe tương tự. Cháu Dương cho biết trong trường của cháu, số lượng học sinh đi xe máy điện chiếm tỉ lệ khá cao.
“Nhiều bạn trong trường cháu đi xe máy điện lắm. Vì đi loại xe này vừa nhanh như xe máy, mà khi bị công an bắt thì thường không bị làm sao ạ”, cháu Dương thật thà. Thực tế, công an đang phải “bó tay” trong việc kiểm tra những người đi xe máy điện bởi phần lớn các chủ xe thường không có giấy tờ, trong khi tạm giữ xe thì không được bởi hiện cũng chưa có quy định rõ ràng nào về loại phương tiện giao thông này. Ông Trần Lưu Huy, Giám đốc công ty Việt Trung - một đơn vị phân phối các sản phẩm xe máy điện, xe đạp điện, khẳng định hiện nay khách hàng chỉ cần làm thủ tục mua xe máy điện xong là có thể sử dụng luôn.
Nhà quản lý “đau đầu”...
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết: “Xe máy điện chưa phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, nhưng đang là nguyên nhân gián tiếp. Quan trọng hơn, nếu chúng ta không có giải pháp kiểm soát phương tiện này, chỉ một thời gian ngắn nữa, với tốc độ phát triển như hiện nay thì lúc ấy xe máy điện sẽ là nguyên nhân trực tiếp. Như vậy, nếu chúng ta không có giải pháp kiểm soát tốt thì nguy cơ là rất lớn”. Ngoài ra, một lãnh đạo Bộ GTVT lại cho hay việc “thả lỏng” quản lý xe điện có thể gây tác hại nặng nề cho môi trường trong tương lai, khi mà hàng triệu ắc quy phế thải độc do loại phương tiện này thải ra nằm ngoài tầm quản lý.
Điều đáng nói là, hiện nay, vẫn chưa có một con số thống kê chính xác về số lượng xe máy điện đang lưu thông trên đường. “Chúng ta không có đăng ký, đăng kiểm loại xe này nên cũng không thể có con số đúng với thực tế được", ông Hiệp thừa nhận. Một quan chức Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cung cấp, hiện mới chỉ thống kê được khoảng 700 chiếc xe đạp điện, xe máy điện, chủ yếu dựa vào các kê khai, khai báo tự nguyện từ các cá nhân, đơn vị. Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lại cho biết, theo một con số thống kê không chính thức, hiện cả nước có khoảng 1 triệu xe đạp điện, xe máy điện, trong đó không rõ số lượng xe máy điện cụ thể là bao nhiêu:
Thực tế cho thấy, ngay bản thân nhiều người tiêu dùng hiện nay còn chưa phân biệt rõ thế nào là xe đạp điện, xe máy điện để đăng ký kê khai, khai báo loại xe mình đang đi”.
Ngoài ra, theo ông Giao, hiện chưa có cả cơ sở xác định đâu là xe máy điện và xe đạp điện thì lấy lý do gì để bắt buộc đăng ký. Ông Trịnh Ngọc Giao cho rằng, không cần đưa xe đạp điện vào diện đăng ký mà chỉ cần áp dụng với xe mô tô và xe máy điện. Người sử dụng xe máy điện tới đây cũng phải có bằng lái. “Với xe máy điện không có số khung, số máy thì cơ quan công an sẽ đóng số và cấp đăng ký để dễ quản lý. Với xe điện lưu thông trên đường, xe không có bàn đạp thì chắc chắn không phải xe đạp điện…”, ông Giao khẳng định.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện đi kèm Thông tư số 39/2013 do Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành thì xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 240W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25km/giờ và xe có bàn đạp, vận tốc trên 25km, trọng lượng trên 45kg thì được quy định là xe máy điện. Song anh Nguyễn Cảnh Hưng - đại diện HKBike, quy định như vậy vẫn rất khó phân biệt giữa xe đạp điện và xe máy điện vì chúng có kiểu dáng giống nhau. Thêm vào đó, hiện rất ít loại xe có đồng hồ chỉ km, sẽ khó cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN cho rằng, cần có quy chuẩn Quốc gia về xe đạp điện và xe máy điện ở VN một cách rõ ràng, cụ thể và chính xác hơn. “Vấn đề ở đây là các cơ quan quản lý Nhà nước phải có những tiêu chí và tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể để quản lý, thậm chí cần thiết có thể đưa ra hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng xe đạp điện được nhập khẩu”, ông Hùng nhận định.
Xem thêm
-
Sáng kiến của ông Đinh La Thăng chưa được nhân rộng
-
Hải quân Nga đã tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen đầu tiên sau 20 năm chờ đợi
-
Nhật Bản không nên đánh giá thấp khả năng quân sự của Trung Quốc
-
Vụ 7 em học sinh bị đuối nước: Nỗi đau vô bờ trước sóng nước Cần Giờ
-
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Chúng ta đã có những quyết sách đúng và cần thiết
-
Những án phạt dành cho showbiz Việt năm 2013
-
Cao Thái Sơn bị “ném đá” tơi tả khi khoe ảnh “naked sushi”
-
Showbiz Việt 2013: Ít sao nhiều... sâu
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử