Bộ Công an đồng tình tăng cường các giải pháp mạnh để làm giảm tai nạn giao thông, tăng mức tiền phạt đối với các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.
Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải, nêu ý kiến về việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Trong văn bản do Thứ trưởng Lê Quý Vương ký ngày 31.3, Bộ Công an thể hiện sự đồng tình với giải pháp mạnh để làm giảm tai nạn giao thông, tăng mức tiền phạt đối với các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, riêng với đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn, Bộ Công an đề nghị Bộ Giao thông vận tải cân nhắc. Theo đó, nếu thực hiện, biện pháp này sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội và xung đột pháp lý đối với các văn bản hiện hành.
Bộ Công an cũng nêu thực trạng, người điều khiển môtô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc chủ yếu là người dân vùng nông thôn, miền núi. Những người vi phạm do nhận thức pháp luật còn hạn chế. Chưa kể, cơ sở hạ tầng của một số đoạn tuyến cao tốc chưa hoàn thiện.
Việc tịch thu phương tiện vì thế không phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Cũng theo Bộ Công an, biện pháp tịch thu phương tiện còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản được Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự và một số luật có liên quan điều chỉnh. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm không phải là chủ sở hữu phương tiện (mượn xe, thuê xe, lái xe thuê, lái xe cơ quan nhà nước…) hoặc trường hợp là sở hữu chung (như sở hữu của vợ, chồng, con, anh, em…) thì việc tịch thu không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 162 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Việc tịch thu phương tiện đối với những trường hợp này sẽ gây ra tình trạng quá tải trong việc giải quyết của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, xử lý theo hình thức này còn dẫn tới hệ lụy đối với người dân, khiến họ rơi vào tình trạng khó khăn. Vì đối với nhiều người, ôtô, xe máy không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là phương tiện kiếm sống, là một tài sản lớn trong mỗi gia đình.
"Việc tịch thu phương tiện dễ gây ra sự phản ứng không hợp tác của người điều khiển phương tiện vi phạm hoặc trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát, thậm chí chống lại người thi hành công vụ", Bộ Công an nhìn nhận.
Trong cuộc họp ngày 30.3, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng yêu cầu, đối với các hành vi vi phạm như say rượu, vượt quá tải, vẫn triển khai thực hiện theo đúng quy định (Nghị định 107, 171 - tức là chưa có hình thức xử lý tịch thu xe), sau đó sẽ căn cứ vào tổng kết, đánh giá để điểu chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tế.
Đầu tháng 3, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đề nghị Chính phủ thí điểm tịch thu phương tiện với người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, nếu lái xe có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở, sẽ bị tước giấy phép 2 năm và tịch thu phương tiện; đồng thời, tài xế phải thi lại Luật giao thông đường bộ. Hình thức xử phạt này áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển môtô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự môtô, xe gắn máy.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với các bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 31.3.
Theo Zing News
Tin bài liên quan
-
DIỄN ĐÀN: HIẾN KẾ XỬ LÝ LÁI XE SAY RƯỢU: Nếu tái phạm mới tịch thu
-
Vẫn có ý kiến trái chiều về việc tịch thu phương tiện vi phạm giao thông
-
Tịch thu xe được không?
-
Đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm luật giao thông: Lo ngại hối lộ lớn để “bỏ qua”
-
Tịch thu phương tiện vi phạm: Sẽ lại “đẻ” ra quy định gây “bão”?
-
Kiến nghị tịch thu phương tiện nếu lái xe say rượu: Nặng tay và khó khả thi
-
Chính thức đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc
-
Đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc: Khó thực hiện
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử