Voi rừng “quậy” dân suốt 3 tháng (Đắc Nông): Vẫn chưa tìm ra cách “gỡ”
Hai cá thể voi rừng quật nát nhà cửa, tàn phá cây trồng, đe dọa tính mạng người dân suốt ba tháng nay tại thôn 20, xã Đắc Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắc Nông. Nhưng chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa bắt voi đưa về rừng, hoặc di dời hàng chục hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đứng trước căn nhà gỗ đổ nát hoàn toàn, chị Hoàng Thị Ánh bàng hoàng kể lại: “Khoảng 0 giờ ngày 25.11, ba mẹ con tôi đang ngủ thì nghe chó sủa rất dai, sau đó có những tiếng động lạ. Biết chắc là voi nên mẹ con tôi mở cửa lao ra khỏi nhà, chạy được khoảng trăm mét tôi nghe cái rầm, sau đó là những tiếng rắc rắc, loảng xoảng, rồi tiếng voi rống lên. Sáng hôm sau, tôi về thấy căn nhà chỉ còn là đống đổ nát, tất cả đồ dùng như giường tủ, xoong nồi đến quần áo, chăn chiếu... đều bị voi phá nát”.
Cách nhà chị Ánh gần 2km, một gia đình khác cũng vừa thoát chết vì voi. Anh Nông Văn Đại cho biết: “Khoảng 2 giờ sáng 28.11, cả nhà tôi đang ngủ thì nghe tiếng vòi voi đập vào vách ván rầm rầm. Một lát sau nó đi vòng sang gian bếp, thò cái vòi vào trong nhà sục sạo. Tôi hốt hoảng khua vợ dậy, mỗi người bế một đứa con lao xuống dốc vườn, băng qua bên kia đồi vào nhà anh Nông Văn Quân xin ngủ nhờ”. Từ đó đến nay, đêm nào anh Đại cũng gọi 4-5 thanh niên đến nhà đốt lửa, ngồi đến khuya mới dám đi ngủ. Cách nhà anh Đại khá xa, chị Tư Thị Dung cũng đốt lửa từ đầu ngõ, bóng điện giăng khắp nơi, vậy mà cũng không dám ngủ say. Từ 16.11 đến nay, voi đã ghé thăm nhà chị đến 3 lần, may chỉ đi qua ngõ.
“Chưa có biện pháp căn cơ...”
Khoảng ba tháng nay, hai cá thể voi rừng này đã phá nát 1ha mía, 1ha bắp sắp thu hoạch của gia đình ông Sầm Văn Dũng, thiệt hại khoảng 130 triệu đồng. Thời gian voi đến vườn của ông Dũng là chập tối, nửa đêm, gần sáng tùy theo ngày, do vậy 4 người trong nhà gần như thức trắng để canh voi. Ông Dũng nói: “Hai con voi này ở hẳn trong thôn mấy tháng rồi, ban ngày rúc vào bụi ngủ, đêm đi phá phách. Cứ vài ngày nó lại xuống tắm và đùa giỡn dưới ao cá nhà tôi, hôm sau tôi phải bơm nước giếng xuống, không thì cá chết. Con voi mẹ người lớn với tay chưa đến lưng, còn voi con to bằng con trâu mộng. Hai mẹ con nó ở đây, nên thỉnh thoảng con voi đực lại về thăm, đường kính vết chân voi đực hơn hai gang tay”. Theo ông Dũng thì hai con voi này rất khôn, gia đình chôn 7 bàn chông trong vườn mía, nhưng tất cả đều bị voi bới lên, ném thật xa rồi mới bước qua. Khi vào rẫy bắp chúng lựa toàn bắp non, bóc sạch vỏ mới ăn, vỏ bắp để gọn thành từng đống”. Còn trưởng thôn Nông Văn Dìn cho biết, vừa rồi có hộ thu hoạch 120 bao bắp nguyên trái, chưa kịp chở về thì voi đến, mấy hôm sau quay lại chỉ còn... 40 bao. Chính quyền vẫn chưa thống kê thiệt hại, nhưng có vài chục hộ dân thất thu nặng nề vì voi, bởi đêm nào chúng cũng di chuyển từ 5 - 7km, vừa đi vừa phá phách trên những rẫy mía, rẫy bắp của người dân thôn 6 và thôn 20.
Ông Trần Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Đắc Đrông - cho biết, hiện địa phương chỉ biết vận động người dân đuổi voi bằng cách khua gõ xoong nồi, đốt lửa, đèn điện, đèn pin. Ông Thành thừa nhận, biện pháp này không còn tác dụng đuổi voi, nhưng xã cũng không biết làm gì hơn. Đây là 3 cá thể voi ở Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn, khu vực quản lý voi hoang dã của Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc. Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc trung tâm - cho biết: “Đúng là người dân đã xua đuổi nhiều nhưng voi không đi, vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ dùng các biện pháp mạnh hơn để đưa voi về rừng”. Còn theo ông Hà Công Tài - PGĐ Sở NNPTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắc Nông - thì có thể lựa chọn phương án thuê voi nhà cùng các nài voi có kinh nghiệm để trấn áp, ép hai con voi này vào vùng lõi VQG Yók Đôn. “Tuy nhiên, về lâu dài thì chưa có biện pháp căn cơ nào cả, bởi trong VQG hiện không còn đủ thức ăn cho voi, do vậy chúng sẽ quay lại vùng canh tác và các khu dân cư lân cận” - ông Tài cho biết.
Voi rừng liên tiếp quật chết người
Từ năm 2010 đến nay, tại Đắc Lắc đã có 3 vụ voi rừng tấn công làm chết 6 người. Trong đó huyện Ea H'leo xảy ra 2 vụ làm chết 5 người, huyện Ea Súp xảy ra 1 vụ làm chết 1 người là công an viên. Phần lớn các nạn nhân đều gặp voi dữ ở khu vực nương rẫy hoặc trên đường đi làm về.

via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét