PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Tranh “nồi cơm” với gia đình liệt sĩ

Tranh “nồi cơm” với gia đình liệt sĩ

Chiếc phà sắt gia đình bà Huấn vay 450 triệu đồng để mua thay cho phà gỗ.


Để đảm bảo an toàn giao thông theo yêu cầu của chính quyền, gia đình liệt sĩ phải vay mượn tiền để nâng cấp bến bãi, phương tiện. Không ngờ, chính quyền địa phương tìm đủ mọi cách để ép gia đình này nhường bến cho một đại gia ở TPHCM…



Đưa đò kiếm cơm


Hơn 40 năm nay, gia đình ông Phạm Thanh Lợi (ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An) sinh sống bằng nghề đưa đò. Trước giải phóng, bà Phan Thị Huấn (mẹ ông Lợi) đưa đò nuôi giấu cách mạng, đưa rước chiến sĩ sang sông. Bà được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến. Nhờ con đò nhỏ, bà nuôi 2 người em chồng tham gia cách mạng, cả 2 lần lượt hy sinh.


Sau ngày miền Nam giải phóng, bà Huấn và các con tiếp tục đưa đò. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, gia đình bà Huấn đầu tư nâng cấp dần phương tiện chuyên chở, bến bãi. Suốt mấy chục năm đưa đò, gia đình bà Huấn luôn đảm bảo an toàn giao thông, chưa từng bị xử phạt. “Chúng tôi chỉ thu tiền của khách, còn người dân 2 đầu bến đò thì được miễn phí. Mấy chục năm qua đều như thế” - ông Lợi nói.


Ngày 10.8.2004, UBND 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc tổ chức cuộc họp, ra Công văn số 849 thống nhất giao UBND xã Long Hựu Đông tổ chức đăng ký mở bến đò khách sang sông từ xã này sang xã Đông Thạnh (Cần Giuộc). Từ đó đến nay, gia đình bà Huấn tiếp tục đưa đò; đồng thời nâng cấp dần bến bãi, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật. “Suốt mấy chục năm, chúng tôi coi như “độc quyền” vì cái nghề này quá cực, lại lượm bạc cắc nên không ai thèm làm. Người ta có vốn, có đất thì không lo đói, còn mẹ con tôi ngày nào nghỉ tay chèo thì không có tiền đong gạo nên phải ráng làm” - ông Lợi kể.


Hết đường kiếm cơm


Cách đây vài năm, khi đường sá được đầu tư nâng cấp thì lượng người đi đò cũng tăng dần. Trong khi gia đình bà Huấn tiếp tục nâng cấp bến bãi, phương tiện thì ngày 25.6.2013, UBND huyện Cần Giuộc ra Công văn số 535/UBND-KT&HT với nội dung: “Cho Cty TNHH Long Phi Vân (Cty chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em ở quận 11, TPHCM - PV) đầu tư nâng cấp, khai thác bến khách bến đò Chợ Kinh do chủ bến hiện tại sử dụng tàu gỗ không an toàn, cần thay bằng phà sắt chở từ 49 khách và 10 tấn trở lên. Vì vậy, phải ngừng cấp phép cho bà Huấn và giao cho Cty TNHH Long Phi Vân đầu tư nâng cấp, khai thác. Cty này có trách nhiệm hỗ trợ gia đình bà Huấn các chi phí mà gia đình đã đầu tư tại 2 đầu bến”. Trao đổi với PV, ông Lợi nói: “Khi đói khổ, họ không xuất hiện. Khi thấy có thể kiếm cơm họ nhào vô. Họ đòi hỗ trợ cục tiền rồi đẩy gia đình tôi lên bờ thì sinh sống bằng nghề gì?”.


Ông Lợi đã gửi đơn khiếu nại, nêu rõ: Nếu UBND huyện Cần Giuộc có chủ trương đầu tư nâng cấp bến đò thì thông báo cho chủ đang khai thác để đầu tư, hoặc tổ chức đấu thầu công khai minh bạch chứ không thể giao ngang cho Long Phi Vân. Trả lời chuyện đấu thầu, bà Nguyễn Hồng Mai - Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - cho rằng, pháp luật chưa quy định cụ thể đối với trường hợp khai thác bến khách ngang sông trên địa bàn 2 huyện là bắt buộc phải thực hiện theo quy trình đấu thầu(!?).


Trao đổi với PV, ông Lợi nói trong nước mắt: “Sợ mất nồi cơm, gia đình tôi chạy vay khắp nơi để sắm chiếc phà sắt trọng tải 12 tấn, chở 50 khách theo đúng yêu cầu của huyện Cần Giuộc. Tôi vừa làm đơn nâng cấp bến phía bờ Cần Giuộc thì chính quyền không cho. Nếu họ cứ nhất quyết giao cho Long Phi Vân, gia đình tôi sẽ rơi vào đường cùng”.








via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét