Túc tắc cùng với xe chuối đi bán dọc các phố ở Hà Nội, nhưng không vì thế mà cụ nhận của ai một đồng tiền thừa, nếu đó không phải là sản phẩm từ sức lao động của cụ. Cách ứng xử đó khiến nhiều người chứng kiến phải suy ngẫm về cụ Nguyễn Trung Khánh.
Ở tuổi 85, nhưng cụ Khánh vẫn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Buổi sáng, hành trình gần chục cây số từ Hà Đông vào nội thành Hà Nội cụ thực hiện đều đặn. Hành trang của cụ, ngoài chiếc xe cà tàng đỡ hai sọt chuối, cụ luôn mang bên mình một cạp lồng cơm, để tới trưa ăn. Thấy chúng tôi, cụ móm mém mời mua hàng. Ngỏ ý thương cảm tuổi già, chúng tôi biếu cụ mấy nghìn, nhưng cụ từ chối ngay. Nhận nải chuối lành lặn nhất với giá khá mềm, chúng tôi cố dúi vào túi cụ ít tiền, nhưng cụ nhất quyết trả lại. “Các chú đừng làm thế, lão còn sức làm được, thì còn kiếm tiền được” - cụ nói với theo.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cụ Khánh quê ở thôn Trung Việt, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Năm 1993, sau khi vợ mất, cụ Khánh vẫn tiếp tục công việc này như một cái nghiệp. Theo cụ Khánh, cũng chính nhờ những gánh chuối, mà cụ đã nuôi 4 người con khôn lớn và ai nấy cũng đều ổn định gia đình. Thấy cụ đã già, đi lại vất vả, các con tìm cách ngăn để cụ ở nhà nghỉ ngơi, nhưng cũng chỉ được mấy bận, cụ thấy ngứa ngáy chân tay, nên lại tìm đến với chiếc xe đạp thồ quen thuộc và rong ruổi trên phố cùng những nải chuối chín vàng. Thấy ông cụ như vậy, các con cũng không dám cản, chỉ lựa lời nhắc bố dành thời gian nghỉ ngơi.
Nói về cách ứng xử của cụ Khánh, nhiều bà con nơi cụ sinh sống cũng đều thán phục Bởi ngay từ lúc trẻ, cụ Khánh đã sống chất phác, giản dị, đặc biệt là quý trọng lao động. “Ơn giời, tôi vẫn còn đi lại được, nên tôi sẽ còn đi và làm cho đến khi hết sức mới thôi, chứ không thể dựa dẫm ngay” - cụ bộc bạch.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét