Học sinh sẽ đón nhận sự thay đổi khá lớn trong thi cử THPT vào năm sau. Ảnh: Hải Nguyễn
Với 3 PA thi khác nhau, trong đó có thi theo môn và thi theo bài, nhiều sở GDĐT các tỉnh đồng tình với PA thi theo môn, bởi đây là PA an toàn nhất cho cả học sinh lẫn giáo viên. Theo Phó GĐ Sở GDĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường: “Thi theo môn là PA hợp lý trong khoảng thời gian chuẩn bị ngắn, đồng thời đã có sự trải nghiệm mới mẻ cho học sinh thông qua việc ra đề thi hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vừa rồi. Học sinh phát huy được sở trường của mình trong thi cử, tạo điều kiện cho các trường trong tuyển sinh, chính vì thế tiếp tục áp dụng cho năm sau là phù hợp, không khiến các em bị “sốc” quá. Vấn đề cần tập trung là chấn chỉnh việc tổ chức coi thi, chấm thi”.
GĐ Sở GDĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân cũng đồng tình khi cho rằng, tổ chức kỳ thi “hai vai” sẽ giảm đi sự tốn kém đáng kể trong công tác tổ chức thi. Trong 3 PA, ông Quân nghiêng về PA 1 với lý do có thể thực hiện được ngay trong năm sau. “Còn thi theo các PA theo bài thi, giáo viên lẫn học sinh chưa được chuẩn bị kỹ, và nhất thiết phải có thời gian để thay đổi theo hướng dạy và học bằng phương pháp tích hợp” - theo ông Quân.
Ba PA thực chất là một?
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết: Dự kiến từ nay đến 15.8, Bộ GDĐT tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các trường. Bộ sẽ sớm chốt phương án cho kỳ thi quốc gia này trước năm học mới (2014-2015)...
Trong khi đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, chưa vội lo lắng cho những biến đổi mang tính bước ngoặt này. Ông khẳng định, ba PA chỉ khác nhau về mức độ. Theo ông, mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để có sự lựa chọn phù hợp nhất với điều kiện dạy và học hiện nay. Chính vì thế, quá trình lấy ý kiến góp ý vẫn chưa dừng lại.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi nhìn nhận về cả 3 PA thi, khẳng định: Có thời điểm tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT đỗ quá cao. Nhìn vào con số có thể kết luận: Không cần thiết phải thi tốt nghiệp. Nói vậy để thấy, kỳ thi “hai vai” này có nhiệm vụ quan trọng như thế nào trước yêu cầu đổi mới giáo dục. Dù chọn PA thi nào thì nhiệm vụ của kỳ thi là cung cấp cho XH “số đo” về trình độ của học sinh, sẽ không có khái niệm tổng điểm bao nhiêu, chuẩn bao nhiêu. “Số đo” này công khai cả nước, trên “số đo” đó, các trường lựa được học sinh để sơ tuyển.
Hôm nay, Bộ GDĐT công bố điểm sàn thi ĐH
Sáng nay (8.8), Hội đồng Tư vấn điểm sàn của Bộ GDĐT sẽ họp để quyết định điểm sàn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Theo đó, bên cạnh mức điểm sàn với vai trò là ngưỡng tối thiểu, bộ sẽ xác định thêm các ngưỡng điểm sàn khác cao hơn. Sau khi Bộ GDĐT công bố điểm sàn, các trường ĐH, CĐ sẽ chính thức công bố điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn xét tuyển nguyện vọng 2. D.H
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét