Ông Lãm bên đầm tôm sắp đến ngày thu hoạch.
Trông vào “cây cói thì đói quanh năm”, nhưng không chịu khuất phục trước cái đói nghèo luôn lơ lửng trên đầu đó, những người đàn ông, đàn bà nơi đây đã bền gan chinh phục biển cả. Và trong cuộc “giành giật” với thiên nhiên hùng vĩ ấy, máu và mồ hôi của con người đã khiến nước biển mặn chát phải lùi xa.
Nơi đất đẻ ra đất
Dải đất hoang sơ phía Đông của xã Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa) giờ đã là những làng mạc cư dân đông đúc. Cách trăm năm sau khi cha ông đặt những nắm đất đầu tiên hình thành nên đê số 1 thì con cháu của họ vẫn tiếp tục công cuộc vươn khơi lấy đất. Lớp người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất sình lầy nơi đây có kẻ đã yên mình trong đất mẹ, người còn sống tuổi cũng đã xế chiều nhưng họ vẫn còn ghim trong lòng hình ảnh con người nhỏ bé đứng trước một bãi đất hoang hóa rộng lớn. Chân đạp lên những ngọn cỏ xước tứa máu mà ngút mắt chỉ thấy neo lại một vệt rừng vẹt xanh ngút ngát, xa hơn chút nữa là hòn đảo Nẹ như một chấm nhỏ bơ vơ. Thế mà giờ hòn đảo ấy đã rất gần đất liền, chỉ mất dăm phút chạy thuyền là ra tới đảo.
Chủ tịch xã Nga Tân Phạm Hồng Quân nhớ lại: “Không biết chính xác đê 1 có từ bao giờ, có lẽ cách đây cả trăm năm. Khi lứa chúng tôi theo bố mẹ ra đây mới 6 - 7 tuổi đã thấy nó như bây giờ rồi. Những năm 1963, 1964 thời kì quai đê lấn biển cho đê 2, đất này lúc nào cũng rộn ràng như một công trường lớn, lúc đó chỉ dựa vào sức người không có máy móc như bây giờ, lực lượng đi làm thủy lợi huy động từ nhiều huyện trong tỉnh về làm ròng rã suốt năm trời mới xong”. Tính cho tới thời điểm hiện tại, Nga Tân từ đê 1 ra đê 2 lấn biển thêm 1km, đê 3 ra đời xã có thêm 1,7km và sắp tới đê 4 hoàn thành diện tích đất lại được mở rộng 1,5km nữa. Người dân nơi đây từ các xã lân cận di cư đến, khi đi họ không quên mang theo cái gốc gác làng xã mình để đặt tên cho xóm: Tân Hưng, Tân Trung, Tân Yên, Tân Mỹ. “Ban đầu xã có 4 xóm, giờ lên tới 8 xóm, nhân khẩu 7.353 người với 1.766 hộ, diện tích đất tự nhiên 1.597 ha”, ông Quân vui mừng nhẩm tính sự sinh sôi nảy nở của cả người và đất nơi đây.
Con người trên mảnh đất mới này nhìn mỗi tấc đất, rặng cây đều thấy cả một thời gian truân mà sức người phi thường khiến thiên nhiên khuất phục. Ông Tiến - giáo viên trường làng năm xưa bồi hồi nhớ lại ngày tháng đầu tiên về đây “đưa đò”: “Năm 1983, tôi mới chuyển công tác về Nga Tân nhưng bàn tay tôi đã bốc từng hòn đất góp cùng mọi người đắp đê 2 những năm 1963, 1964 của thế kỷ trước”. Ông xem đó là cái thuở hồng hoang một thời xa vắng, cảnh hoang sơ chưa một dấu chân người. “Nhà tôi khi ấy được xem là nằm ở ngoài bìa làng, chưa có đê 3, đê 4, trước nhà là biển cả mênh mông. Ông cùng vợ vác từng hòn đất để đắp lên nền ngôi nhà hiện tại, không nhà nào có sân, xung quanh chỉ có sình lầy và ruộng cói, tiếng ếch nhái rả rích mỗi đêm… thế mà giờ nhà tôi lại đã nằm giữa làng. Thầy trò khi ấy chẳng ai lạ gì cái cảnh trong lớp học sinh ê a đánh vần từng chữ, ngoài sân cua cáy bò lổm ngổm, đào đất phì phì…”, ông giáo già xúc động kể về ngày gian khó.
Cuộc chiến “trứng treo đầu gậy”
Đó là cái cách người dân nơi đây nói về cuộc mưu sinh bằng những đầm tôm trên đất quai đê lấn biển. Không chấp nhận cảnh đói quay quắt, những lão ngư trước đây bám biển bắt đầu công cuộc chinh phục biển cả. Nhà ông Ngô Văn Túy có 11 nhân khẩu chỉ trông chờ vào mấy sào cói, một bữa no mà mười bữa đói. Đến năm 1993, khi xã có dự án 327 xây dựng làng đầm thành vùng tôm giống do Tướng Đồng Sỹ Nguyên khởi xướng, người lính năm xưa đã nói với vợ rằng: “Đã đến lúc làm giàu trên mảnh đất lấn biển này rồi”. Không một chút đắn đo, ông dốc toàn bộ vốn liếng trong nhà ky cóp suốt 20 năm ròng rã đi biển được 26 triệu đồng, bắt đầu cuộc chiến với con nước.
Ông Túy kể lại: “Nhà có ba thế hệ, một già cả là bố tôi - một lão nông ngoài 80 tuổi, một trung niên là tôi và một thanh niên là cậu con trai 18 tuổi đã đốc sức be bờ với khát vọng thoát nghèo luôn sôi sục”. Giơ bàn tay thô ráp, đầy những vết nứt nẻ ông nói về những ngày đầu: “Một tháng có hai con nước, muốn đắp bờ phải dựa vào sự lên xuống của thủy triều. Vào những lần con nước xuống ban đêm thì tôi tranh thủ ánh trăng mà xắn đất, thân người hì hụp trong nước mặn đắp được một đoạn có khi sáng mai tỉnh dậy thấy sạt mất bảy tám phần”. Bờ ngoi lên được mặt nước thì số tiền kia cũng hết nhẵn, ông phải vay lãi ngân hàng để tiếp tục. Không phụ công người, chỉ hai năm sau đầm tôm đã giúp ông trả hết cả gốc lẫn lãi.
Gian nan cho cuộc sống đầm phá nơi đây chính là nguồn nước ngọt, ngay trong xã Nga Tân cũng thiếu nước phải đi mua từ các xã khác. Con đê 3 lúc ấy mới thành hình, đường đất trơn tuồn tuột, bước bộ còn ngã sấp ngã ngửa nên mang được giọt nước ra đây vất vả vô cùng. Không kể hết những lần cả người lẫn xe đều rơi xuống lạch, chỉ đủ sức kéo được can nước lên và vác về lều, xe vất đấy quay lại lấy sau. Gian khổ, vất vả là thế nhưng “đã hơn 20 năm trôi qua mà nhà tôi vẫn chưa giàu được”, ông Túy chua xót thốt lên khi nhớ lại cơn bão số 6 năm 2007, chỉ sau một đêm mà sáng ra cả làng đầm trắng băng, bao nhiêu tôm cá lại về với biển, người dân chỉ biết đứng nhìn. Các con của ông lần lượt từ bỏ đầm phá, riêng ông vẫn bám trụ kiên cường “làm đầm vẫn hơn làm cói, hai vợ chồng già ở đây còn kiếm được chút ít đắp đổi qua ngày, chứ vào làng lấy gì mà ăn” .
Có mặt ở đây đầu tiên phải kể đến Chủ nhiệm Hợp tác xã Lê Ngọc Lãm, bằng một gợi ý táo bạo, ông Lãm đã thầu toàn bộ mặt nước hoang hóa của làng đầm chỉ để thu hoạch tôm cá mà thủy triều đem đến. Ngày đắp xong cống nước đê 3, sau một tháng giữ nước đến lúc tháo ra, ông mừng rơi nước mắt khi thấy cua cá nhảy rào rào trên mặt nước. Nhưng cây cói không ăn mặn nên thời gian giữ nước lâu bị ngả vàng, kế hoạch đầu phải bỏ dang dở. Năm 1993, ông quyết định quy hoạch làm đầm phá. “Khi ấy để cải tạo được 1 ha mặt nước mất 70 triệu đồng, giờ 150 triệu đồng cũng chưa xong, lúc cao điểm tôi huy động hết nhân lực trong nhà cùng 30 nhân công làm ngày làm đêm, theo kiểu vay đến đâu làm đến đó, mất vài năm mới có được khu đầm gần chục hecta như bây giờ”, ông Lãm chia sẻ. Sau đó, ông liều lĩnh vay ngân hàng huyện và tỉnh 140 triệu đồng, mua một xe tôm giống chở từ Đà Nẵng ra hết 50 triệu đồng, tôm thả nuôi được 20 ngày thì đồng loạt chết đỏ đầm.
Năm 2002, không chịu thua, một lần nữa, ông bắt tay vào xây dựng trại tôm giống với số tiền đầu tư 600 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng. Ông Lãm vẫn còn nhớ kỷ niệm thuê một kỹ sư từ Nha Trang ra tư vấn và mua một cặp tôm giống mất 25 triệu đồng nhưng đi được nửa đường tôm chết. Cả trại tôm của gia đình ông 3 năm không đẻ được một con do nước chưa đạt độ mặn mà đồng tiền trong nhà đã cạn kiệt. Ông cười hài hước kết luận: “Đầu tư vào đầm nuôi tôm giống như bước chân vào giới giang hồ, chỉ được phép tiến, lùi là vỡ nợ”.
Thật kì lạ, sự mất mát càng làm ông Lãm thêm bền chí, ông cười nói: “Tôi cũng có mộng làm giàu, có mong muốn thay đổi quê hương nhưng đến giờ vẫn chưa hết gian nan”. Sau quãng thời gian đi làm tư vấn nuôi tôm cho Viện Khoa học Thủy sản Quốc gia tại Thái Bình ứng dụng công nghệ nuôi tôm kiểu Ấn Độ, sau đó là nuôi cá chuối qua mùa đông ở Bắc Ninh năm 2009, ông lại trở về quê với quyết tâm sắt đá hơn trước: “Nước làng đầm rồi sẽ nuôi được tôm”. Hiện tại, ông cùng cậu con trai thứ hai đang áp dụng nuôi tôm trên cạn. Chỉ vào những con tôm đang bật tanh tách trong đầm, ông nói: “Nhìn thế này thôi nhưng hai tuần nữa là bán được rồi”.
Vẫn biết cuộc mưu sinh nào cũng đầy vất vả, có khi mồ hôi, nước mắt của ngư dân còn mặn chát hơn cả vị mặn mòi của nước biển, vậy mà giấc mơ làm giàu vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng câu kết rút của Chủ tịch xã Nga Tân: “Phát triển thủy hải sản chưa thực sự đem lại thu nhập vững chắc cho bà con lấn biển nhưng ít ra với 100 hộ dân sống bằng đầm phá thì đó vẫn là cần câu cơm cho họ. Và điều quý giá hơn tất cả là bài học về sự kiên trì giữ đất quai đê lấn biển, buộc biển cả nuôi sống con người của những người như ông Túy, ông Lãm… mới thật đáng nể phục” vẫn làm chúng ta phải suy ngẫm.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét