Thiếu tướng Lê Công Dung (thứ 4, trái sang) trao tặng khen thưởng cho cá nhân, tập thể giáo dân có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ ANTQ.
Ngày 24.10 vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/BNV của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về “Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ) vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới”.
Tại hội nghị, 5 tham luận của đại diện các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Nam - Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Đức Chính- Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – cho thấy, thời gian qua, đồng bào theo các tôn giáo nói chung, theo đạo Thiên chúa nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện và nâng cao; nhiều xứ, họ đạo, chức sắc, quần chúng tín đồ đã trở thành điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo và đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. Đã có hàng trăm lượt tập thể, giáo dân tiêu biểu được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Và trong dịp tổng kết 20 năm, vinh dự có 10 tập thể, 17 cá nhân tiêu biểu xuất sắc đã được các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng, đại diện cho 20 giáo xứ, 40 họ đạo, 32 nhà thờ, 21 linh mục, 49 nữ tu và gần 20.000 tín đồ Thiên chúa giáo trên địa bàn vì đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng.
Thượng tướng Bùi Văn Nam – UVT.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (thứ 4, phải sang) tại hội nghị tổ chức ở Quảng Trị ngày 24.10. |
Phải sớm khắc phục những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, so sánh với những mục tiêu, yêu cầu, quan điểm đề ra, cũng phải nhận thấy rằng, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở một số vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa còn có mặt hạn chế, chưa đồng đều, chưa rộng khắp và thiếu chiều sâu. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ và chặt chẽ nên chưa tạo được sức lôi cuốn quần chúng tín đồ tham gia; một số cán bộ làm công tác tôn giáo có phần hạn chế trong công tác tuyên truyền vận động.
Các kiến nghị, đề xuất góp ý chân tình của đại diện họ giáo Phan Xá (xã Triệu Đại - huyện Triệu Phong), Giáo xứ Trí Bưu (phường 2, thị xã Quảng Trị) và của đại diện lãnh đạo UBND huyện Hải Lăng, trong thời gian tới, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể để đa dạng hoá các hình thức, nội dung xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ ở vùng đồng bào các tôn giáo; tăng cường mối quan hệ gắn bó, gần gũi, mật thiết với quần chúng tín đồ tôn giáo; tạo điều kiện hơn nữa để quần chúng tín đồ tôn giáo tham gia các hoạt động, các cuộc vận động và phong trào cách mạng ở địa phương.
Để được như vậy, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể để huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào cách mạng khác, tạo khí thế, động lực khích lệ đồng bào các tôn giáo tự giác, tích cực tham gia. Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương có đông đồng bào các tôn giáo để thống nhất trong việc phân công trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; phối kết hợp trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thường xuyên nghiên cứu đổi mới hình thức, biện pháp vận động quần chúng tín đồ với những nội dung thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, từng địa bàn, khu vực dân cư, trong từng thời gian. Chú trọng phát huy những giá trị nhân văn, đạo đức tôn giáo để góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh xây dựng; nhân rộng, kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình tiên tiến như: “Cụm dân cư vùng giáo an toàn về ANTT”, “Xứ họ đạo bình yên”, “Xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”; các phong trào “Tâm sáng hướng thiện”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và các mô hình, phong trào tiêu biểu khác ở địa phương, cơ sở.
Đồng thời cùng phối hợp giải quyết những vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân, trong quần chúng tín đồ với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, “Kính chúa, yêu nước”, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” và đảm bảo các quy định của pháp luật; khắc phục những biểu hiện mê tín dị đoan, những hoạt động tôn giáo lạc hậu làm phương hại đến lợi ích của tổ quốc và nhân dân. Chính quyền các cấp sẽ tạo mọi điều kiện, môi trường, hoàn cảnh thuận lợi để đồng bào theo đạo có điều kiện giao lưu, hoà hợp, để đóng góp một cách tích cực, tốt nhất sức và trí tuệ của mình cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh trật tự của đất nước, của địa phương.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét