Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK. Ông đánh giá gì về phương án này?
- Chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là chủ trương hoàn toàn đúng, thế nhưng cách tổ chức biên soạn sách theo phương án này theo tôi chưa ổn. Nếu Bộ GDĐT đứng ra biên soạn riêng một bộ sách, chắc chắn sẽ có tình trạng sách của NXB Giáo dục sẽ bán chạy, còn nhóm khác soạn thì sẽ chẳng có ai mua. Vì sao ư? Chưa bàn chuyện hay, dở, nhưng ít ra là bộ được tin cậy hơn, hơn nữa liên quan đến việc đề thi sẽ do bộ chủ trì nên phụ huynh sẽ chỉ chọn SGK của bộ. Chưa kể việc nếu bộ làm sách thì sẽ có tiền Nhà nước, trong khi các nhóm khác muốn viết sách thì phải tự bỏ tiền ra, theo tôi đây là phương án không hợp lý.
Vậy theo ông, vai trò của Bộ GDĐT trong đề án này là gì?
- Theo tôi Bộ GDĐT không nên đứng ra viết sách mà chỉ cần làm đúng vai trò quản lý nhà nước là làm “trọng tài”, phải xây dựng xong chương trình đã rồi từ đó tính đến việc viết SGK, cân nhắc lựa chọn bao nhiêu bộ có chất lượng cao nhất và thông qua. Tuy nhiên, SGK không phải là vấn đề nổi cộm đầu tiên. Điều tôi lo ngại nhất là hiện chưa có chương trình cụ thể mà đã lo việc tiền tập huấn, viết sách bao nhiêu. Thay đổi thì phải thay đổi dần đi chứ đừng bắt Quốc hội thông qua một cục tiền SGK trọn gói như thế, phải đề xuất từng việc một, tiên liệu các chuyện xảy ra thì mới khả thi.
Việc xây dựng chương trình, theo ông cần bắt đầu từ đâu?
- Đối với chương trình phổ thông thì quan trọng nhất là xây dựng được chương trình vi phân theo môn, theo lớp, cấp học. Chỉ cần trả lời mấy câu hỏi: Định dạy gì, dạy như thế nào cho từng môn học ở từng cấp học?Chưa làm được việc này mà bàn việc viết sách là hơi sớm. Ví dụ với môn lịch sử, sẽ máy móc nếu vẫn duy trì dạy theo kiểu tách sử VN ra khỏi sử thế giới, sử VN học trước rồi sử thế giới học sau thì rất máy móc và sai logic nhận thức. Học sinh chỉ đơn thuần bị nhồi vào mớ kiến thức theo chuỗi thời gian, học trước quên sau. Hoặc như dạy lịch sử cổ đại mà dạy ở cấp thấp nhất lại càng bất cập vì dạy kiểu này chỉ là đang dạy logic về lịch sử chứ không phải là logic về nhận thức. Ví dụ vậy để thấy, riêng môn lịch sử thôi, nhưng việc bàn thấu đáo dạy cái gì, ra làm sao, các cấp học... mà vẫn chưa làm được thì đổi SGK làm cái gì?
Theo lộ trình, đầu năm 2015 sẽ bắt đầu biên soạn SGK. Từ nay đến lúc đó, việc xây dựng chương trình có quá gấp gáp không, thưa ông?
- Không còn nhiều thời gian nên phải tranh thủ tối đa, khẩn trương tích cực nhưng phải thận trọng, không để trống ngày nào, đồng thời tránh việc dồn mọi việc vào cùng một thời điểm. Đặc biệt với SGK, hiện chưa đủ điều kiện để làm một lúc trọn bộ. Vì thế theo tôi nhất thiết phải điều chỉnh sách theo từng năm dựa trên bộ SGK cũ, bám sát chương trình, chứ đừng nghĩ đến việc sẽ có một bộ SGK mới hoàn toàn ngay. Giáo dục Singapore có nguyên tắc rất hay mà tôi nghĩ nên học hỏi, đó là nguyên tắc 3R: Review (đánh giá tổng quan), research (nghiên cứu) và reform (cải cách), xem đây là công việc phải làm thường xuyên, cập nhật mỗi ngày chứ không ngồi chờ đợi cái mới.
Cách thức tổ chức viết SGK theo ông nên triển khai như thế nào?
- Bộ GDĐT cần đưa ra nguyên tắc, mở rộng đối tượng, từ đó khuyến khích các nhóm, cơ quan có chuyên môn cao và có tổ chức tham gia. Nên lựa chọn sản phẩm của một tập thể có tổ chức, một trung tâm tin cậy về khoa học, có hiểu biết về giáo dục như là các trường ĐH. Tôi chắc chắn các trường ĐH sẵn sàng vào cuộc ngay. Việc biên soạn SGK nên vi phân ra theo từng môn học cụ thể chứ không nên làm theo kiểu sẽ viết trọn gói cả bộ, điều này sẽ nâng cao chất lượng của SGK từng môn học khi vận dụng được chuyên môn, thế mạnh của từng tổ chức.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét