Hiểm họa xe khách... biến thành xe tải
Hàng hóa cồng kềnh đang được chất lên xe tại bến xe miền Tây. Ảnh: Xuân Hùng
Mỗi ngày, tại bến xe khách phía Tây Thanh Hóa có gần 100 xe xuất bến đi các huyện miền núi phía tây của tỉnh. Điều đáng nói, hầu hết những chuyến xe chở khách này đang bị biến thành… xe tải khi phải oằn lưng chở hàng hóa cồng kềnh, gây hiểm họa lớn cho an toàn giao thông.
Xe khách "oằn lưng" chở hàng
Theo quan sát, mỗi ngày trên các tuyến đường lên các huyện miền núi luôn ỳ ạch các chuyến xe khách kiêm chở hàng. Nhiều nhất là tuyến đi huyện Bá Thước với 23 chuyến, đông nhất là nhà xe Thanh Hoa và nhà xe Tấn Thành, tiếp đến là xe đi Quan Sơn có 19 chuyến, trong đó nhiều nhất là nhà xe Quang Ninh; Lang Chánh 15 chuyến... Trên mỗi chuyến xe nội tỉnh, hành khách trên xe chật cứng người, nhà xe còn cho chất lên vô số hàng hóa. Hàng được xếp chặt dưới cốp xe, lèn vào buồng lái, chất đầy trên nóc, có khi còn buộc lủng lẳng bên hông. Hàng hóa khi xe xuất bến thường là các loại hàng tiêu dùng, hàng chiều về thường là lâm sản.
Việc xe khách phải chất nhiều hàng hóa gây nhiều hiểm họa khôn lường. Chị Nguyễn Thị Thanh – người thường xuyên đi tuyến TP.Thanh Hóa - Lang Chánh - cho hay: “Thấy cảnh chất đầy hàng hóa lên xe mà thấy sợ, nhưng cũng không dám nói, hàng chất đống đến mức lái xe khó xoay trở mà họ vẫn cứ làm”. Anh Lê Hữu Tiến – một giáo viên thường xuyên lên Lang Chánh - than: “Nhiều khi thấy xe nghiêng nghiêng khi xuống dốc cũng thấy hết hồn, nhưng không đi cũng không có sự lựa chọn nào khác”.
Trả lời báo chí, TS Khương Kim Tạo - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết, đối với xe khách, khi hàng hóa xếp lệch, không cân đối và quá tải trọng cho phép sẽ gây mất an toàn cho xe. Nếu xe chở quá tải, khả năng xử lý trên đường của lái xe sẽ khó khăn hơn. Để dừng được phương tiện, lái xe phải có quãng đường và thời gian nhấn phanh dài hơn.
“Lỗ hổng” quản lý?
Theo ông Đinh Đại Hoàng – Trưởng phòng Kế hoạch, Điều độ Cty CP quản lý và khai thác bến xe khách Thanh Hóa - việc xe khách nội tỉnh chở hàng hóa là điều không tránh khỏi vì địa bàn tỉnh rộng, sự giao thương hàng hóa chưa thực sự đầy đủ, do vậy, mỗi người khi đi hay về thường mang theo một lượng hàng hóa nhất định. Hơn nữa, theo các lái xe, có chở thêm hàng hóa thì mới có thêm tiền xăng, với những lái xe thuê thì càng chất nhiều hàng hóa càng tốt, vì chủ xe chỉ khoán số khách, cước vận chuyển hàng hóa lái xe được hưởng.
Cũng theo ông Hoàng, Cty luôn tuyên truyền nhắc nhở các lái xe không được chở hàng hóa cồng kềnh, “nếu nhà xe nào cố tình vi phạm, BQL bến và lực lượng thanh tra cương quyết không cho xuất bến. Tuy nhiên, “đa số các chủ xe đều có nhà riêng gần bến, họ tập kết hàng hóa ở đó, xe xuất bến đón khách rồi vòng về nhà chất hàng, vậy là BQL bến cũng... bó tay” – ông Hoàng chia sẻ.
Còn theo đại diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng xe khách biến thành xe tải do còn thiếu quy định về tải trọng hàng hóa đối với xe khách. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới chỉ đề cập đến số người chở trong xe. Vì thế, Cục Đăng kiểm VN sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định về tiêu chuẩn chở hàng hóa của xe khách để nâng cao an toàn kỹ thuật cho phương tiện trên hành trình. “Thấy xe chất đầy hàng hóa thì nhắc nhở họ hạ hoặc xếp gọn hơn thôi chứ tôi cũng chưa biết quy định xe khách được chở bao nhiều hàng hóa” – ông Đinh Đại Hoàng – Trưởng phòng Kế hoạch, Điều độ Cty CP quản lý và khai thác bến xe Thanh Hóa - nói.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét