Sáng 23.6, Sở GDĐT TPHCM đã tổ chức buổi họp báo để giới thiệu chính thức về đề án Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến tích hợp giữa Bộ GDĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Anh để thay thế cho chương trình Cambridge vừa được thông báo ngừng tuyển sinh từ năm học này.
Ưu việt hơn chương trình cũ?
Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, tháng 11.2013, Sở GDĐT TPHCM được giao nhiệm vụ thực hiện một đề án tích hợp nhằm tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh phổ thông thành phố thông qua việc dạy và học các môn khoa học và toán, tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận chương trình quốc tế tiên tiến, hiện đại, được đánh giá theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam, giảm tải được chương trình thực hiện song song của Bộ GDĐT.
Vì vậy, từ năm học 2014 – 2015, sau khi được phép của UBND TP, Sở GDĐT bắt đầu triển khai thực hiện đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam”.
Chương trình được xây dựng với mục tiêu tích hợp chương trình của quốc gia Anh với chương trình Việt Nam, kể cả nội dung và phương pháp dạy – học. Yêu cầu dạy không trùng lặp, giúp học sinh nắm bắt kiến thức chuẩn của các môn toán, khoa học thông qua ngôn ngữ học thuật tiếng Anh. Với chương trình tích hợp, học sinh không cần phải học lại những môn toán, khoa học (tiểu học), lý, hóa, sinh (THCS) bằng tiếng Việt sau khi đã học bằng tiếng Anh, giảm tải cho học sinh không phải học 2 lần cùng 1 kiến thức.
Chương trình cũng đáp ứng được nhiều chuẩn đầu ra của các hệ thống khảo thí uy tín trên thế giới để đáp ứng được sự lựa chọn và định hướng con đường học tập tương lai cũng như nghề nghiệp của học sinh.
Khác với các chương trình trước đây, chương trình này có thể áp dụng được với tất cả các đối tượng học sinh cũng như điều kiện thực tế của tất cả các trường phổ thông tại TPHCM. Sau khi kết thúc chương trình, học sinh sẽ đạt được trình độ thông thạo cả 2 ngoại ngữ Anh và Việt. Học sinh phổ thông được thi các bài cuối cấp (key stages test) do STA cung cấp, qua đó năng lực và trình độ của học sinh được đánh giá theo chuẩn giáo dục cao của Anh với 3 bộ môn. Trong quá trình học, học sinh sẽ được rèn luyện thêm kỹ năng làm các bài thi theo chuẩn đánh giá tiếng Anh khác như IELTS, TOEFL, Cambridge English…
Học sinh lại trở thành “vật thí nghiệm”?
Trước những câu hỏi của báo chí về việc vì sao có sự thông báo dừng một cách đột ngột đối với chương trình Cambridge và chương trình mới này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung giảng dạy lẫn đội ngũ giáo viên hay chưa? Những học sinh đã hoàn thành chương trình Cambridge ở cấp tiểu học sẽ học tiếp lên cấp THCS như thế nào? Ông Lê Hồng Sơn cho biết, ngay từ năm 2011, Sở GDĐT đã có ý tưởng xây dựng một chương trình mới vì chương trình Cambridge chỉ là thí điểm, cần phải có điểm dừng để đánh giá lại, thêm vào đó, học sinh Việt Nam ngoài việc tiếp cận nội dung mới cũng cần học tập theo bản sắc văn hoá Việt, cái mà Cambridge không làm được.
Chương trình tích hợp đã được Bộ GDĐT và Sở GDĐT TPHCM thẩm định về mặt nội dung, phương pháp phù hợp bản sắc văn hoá Việt Nam, vẫn đảm bảo những kiến thức khoa học để đáp ứng chuẩn đầu ra của các hội đồng khảo thí trên thế giới và ở Anh quốc. Các vấn đề về văn hoá, lịch sử, địa lý đều được tích hợp trong chương trình. Đồng thời, giáo viên Việt Nam sẽ tiếp cận được việc đổi mới phương pháp dạy học và cán bộ quản lý, tổ chuyên môn sẽ được phép giám sát chứ không phải đứng hoàn toàn bên ngoài như đối với chương trình Cambridge.
Đội ngũ giáo viên đã có sự chuẩn bị, trước mắt sẽ chọn lọc trong những giáo viên có sẵn hoặc tuyển dụng mới. Đến năm 2020 sẽ là lộ trình để có 50% giáo viên cơ hữu dạy song song với giáo viên bản xứ. Trước mắt, học phí của chương trình này sẽ tương đương như chương trình Cambridge.
Ông Sơn nhấn mạnh, TP.HCM chỉ ngưng tuyển sinh chương trình Cambridge. Học sinh đang học chương trình này vẫn tiếp tục học và đăng ký thi để lấy chứng chỉ cuối khóa theo như lộ trình đã đăng ký từ trước. Tiếp nối ở các lớp sau đã có chương trình tích hợp của Bộ Giáo dục Anh và Bộ GDĐT Việt Nam, hoàn toàn có thể đáp ứng được chứng chỉ đầu ra của CIE và nhiều chứng chỉ đầu ra khác của Anh, Mỹ, Úc như Edexcel, ETS, Colecge board...
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, chương trình tích hợp cũng chỉ là một chương trình thí điểm tại một số trường công lập, không áp dụng đại trà và muốn biết chương trình có hiệu quả, có tốt hay không thì phải… đợi vài năm nữa.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét