Giám đốc VCPMC – nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Quyết tâm, cố gắng cho nền âm nhạc Việt Nam…”
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
12 năm thành lập và hoạt động, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vẫn đang phải bươn chải vất vả để đấu tranh đòi tiền bản quyền cho các tác giả âm nhạc. Dẫu vậy, Giám đốc VCPMC – nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn hết sức lạc quan với con đường phía trước của VCPMC.
- Hoạt động của VCPMC nhiều năm và năm nay cũng vậy lúc nào cũng cố gắng bươn chải trước nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên năm 2014 tỉ trọng phát triển không thể như thời gian đầu. Những năm đầu tiên là năm sau hơn năm trước và duy trì trong 7 năm liền như vậy nhưng 3 - 4 năm trở lại đây chỉ tăng trưởng trên dưới 10%. Điều đó cho thấy khó khăn vẫn tồn tại, có nhiều vấn đề cần phải cố gắng để vượt qua.
Cụ thể, khó khăn đó là gì, thưa ông?
- Đó là quy định về luật pháp chưa thật chặt chẽ vì có một số kẽ hở để người ta luồn lách. Trong lĩnh vực biểu diễn, nếu như cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cấp phép cho những người thực hiện đúng nghĩa vụ luật pháp, nghĩa là đã xin phép tác giả thì những hoạt động này phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên vất vả cho chúng tôi hiện nay, bởi trong các quy định văn bản của cơ quan Nhà nước có quyền cấp phép cho những người chưa xin phép tác giả, chưa có hợp đồng với tác giả. Vì vậy, khó khăn lớn nhất trong vòng 10 năm nay chúng tôi tháo rồi gỡ mà vẫn chưa được đó là đấu tranh yêu cầu người sử dụng tác phẩm xin phép cũng như trả tiền cho các tác giả.
Có nghĩa là những khó khăn này cũng xuất phát từ việc nhân lực của VCPMC còn quá mỏng?
- Đây cũng chỉ là một khó khăn nhỏ. Vì thực tế dù có nhiều nhân lực đi nữa thì cũng không lấp được những kẽ hở đấy! Việc của VCPMC là chỗ nào “hở” phải kiến nghị lên cơ quan Nhà nước để lấp cho kín kẽ hở đó. Dù vậy, đây vẫn là bài toán khó khiến chúng tôi rất mệt mỏi và mất tương đối thời gian giải quyết.
Thưa ông, có một thực tế là nghe nhạc trên mạng dù có tiến hành thu phí tải nhạc, nhưng vẫn để chế độ không thu phí với người nghe nhạc. Đánh giá của ông về việc này như thế nào?
- Có nhiều hình thức nghe nhạc miễn phí và trong từng trường hợp cụ thể mới cần phải thu phí. Đây chỉ là sự thống nhất về phương thức phối hợp giữa các tác giả, đại diện là VCPMC với các nhà mạng. Hiện về cơ bản nhận thức của các nhà mạng là không xung khắc với luật pháp. Chỉ có duy nhất một điều băn khoăn là cách thức hoạt động phải như thế nào cho phù hợp.
Nhưng nếu tiến hành chặt chẽ thu phí nghe nhạc sẽ tăng thêm phần nhận thức của công chúng?
- Đúng! Nhưng đôi khi có một số tình tiết ngay chính các nhà mạng lại thấy đó là không cần thiết. Thậm chí các nhà mạng cho phép nghe nhạc tự do, và họ chấp nhận chi trả một khoản phí tượng trưng nào đó cho chúng tôi.
VCPMC đã học hỏi được những gì trong Liên minh quốc tế các hiệp hội của những nhà soạn nhạc và lời (CISAC)?
- CISAC là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, là mạng lưới các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả lớn nhất thế giới, hoạt động tích cực và mạnh mẽ về lĩnh vực quyền tác giả cùng với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với 227 thành viên. Là thành viên của CISAC, hơn 10 năm qua, VCPMC có được như ngày nay là nhờ áp dụng kinh nghiệm từ các nước thành viên của CISAC. Tuy nhiên có nhiều điểm của Việt Nam không thể học từ các nước thành viên CISAC. Ví dụ điển hình là kẻ hở giữa việc cấp phép và xin phép tác giả. Có những điều họ thực hiện rất tốt nhưng vì lý do khách quan chúng ta không thể áp dụng, học theo. Dù vậy, VCPMC với tư cách là thành viên của CISAC đã có không ít cơ hội được nghe, được học hỏi, được chỉ dẫn nhiều kinh nghiệm hay và sẽ cố gắng áp dụng những điều phù hợp vào thực tế của Việt Nam.
Mục tiêu của VCPCM sắp tới sẽ là gì để có thể nhằm thúc đẩy hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam?
- Theo tiến độ như bây giờ, khi mỗi năm VCPMC chỉ tăng trưởng 10% thì sẽ nhẩm tính ra được là khoảng 40 năm nữa mới đuổi kịp Malaysia. Mặc dù chúng tôi đã và đang dần được ghi nhận, khuyến khích, hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan như Hội Văn học Nghệ thuật, Bộ VHTT&DL và các nước bạn trên giới đánh giá cao nhưng kết quả này vẫn là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy chúng tôi cần phải có cách nhìn mới, hướng đi mới, phải biến các đối tác của mình như Đài truyền hình, nhà mạng… trở thành bạn của mình mới có thể trao đổi, khai thác tác phẩm/ sản phẩm của các nhạc sĩ một cách hiệu quả nhất. Và muốn họ thành bạn của mình, một trong những yếu tố đầu tiên là trình độ công nghệ của VCPMC phải tương đương, vì thú thực mà nói công nghệ hiện nay của VCPMC vẫn chỉ là con số 0. Sắp tới, chúng tôi sẽ bổ sung nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao nhận thức mới mong rút ngắn thời gian theo kịp nước bạn trong việc bảo vệ bản quyền tác giả. Đây là công việc đòi hỏi sự phức tạp tương đối nhưng chúng tôi luôn quyết tâm, cố gắng cho một nền âm nhạc Việt Nam vững mạnh.
Xin cảm ơn ông!
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét