PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Sài Gòn bao dung

Sài Gòn bao dung

Để góp phần chung tay thay đổi môi trường sống, năm 2014, NSƯT Thành Lộc đã xuống đường tham gia một dự án thiện nguyện, kêu gọi người dân thành phố nâng cao văn hóa giao thông.



Sài Gòn là gương mặt cuộc đời tôi


Tôi yêu Sài Gòn, vì tôi sinh ra và lớn lên ở đó, cả cuộc đời tôi gắn bó với Sài Gòn. Và tôi cũng yêu Hà Nội và nhiều nơi khác, vì nó có những gì Sài Gòn của tôi không có. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn tin rằng tôi yêu Sài Gòn hơn tất thảy, vì nó chính là gương mặt tôi, cuộc đời tôi.


Tôi yêu Sài Gòn cả khi gương mặt thành phố đổi khác, mà với những người hoài cổ, đó có thể bị coi là một mất mát. Tôi là người cấp tiến. Tôi không muốn ôm khư khư một cái gì đấy vào lòng. Tôi yêu bản thân tôi, nhưng trước một cơ hội phải có được sức khỏe, tôi sẵn sàng chấp nhận cắt bỏ một vài thứ trong đó. Tôi yêu ngôi nhà xưa, nhưng không muốn nó bị dột. Tôi yêu con tôi, nhưng đâu phải vì sợ nó rời xa mình mà không mong nó lớn…


Không muốn một ai đó, một cái gì đó thay đổi - đó đôi khi không phải là cái tình mà giản đơn, chỉ là vì ích kỷ. Có người bỏ đi đâu đó hàng bao nhiêu năm, khi về lại, chỉ muốn được nhìn thấy mọi thứ vẹn nguyên như cũ. Đó là vì họ không muốn họ phải mất đi cái gì cả, dù mảnh đất đó từng mất họ. Còn tôi, cũng như nhiều người dân thành phố hằng ngày nhìn thấy nó, hẳn nhiên sẽ không bao giờ muốn nó dần “ốm yếu”. Một cái cây già cỗi, mục ruỗng sẽ không còn là kỷ niệm mà đã là một ẩn họa. Để đổi lấy sự hồng hào trong sắc diện của một thành phố, nhất là một thành phố mở như Sài Gòn, tôi muốn mình cởi mở với cả sự hy sinh và đánh đổi. Tôi luôn luôn chấp nhận sự phá bỏ, nếu cần thiết, kể cả trong nghệ thuật. Nhất là trong nghệ thuật.


Yêu Sài Gòn là thế, vậy mà tôi đã từng định góp mặt vào dòng người bỏ xứ mà đi, năm ấy. Tôi cũng đã từng đau nỗi Sài Gòn của tôi phải mất đi một lượng trí thức, văn nghệ sĩ lớn. Nhưng biết làm sao khi lịch sử đôi khi vô tư đến nhẫn tâm, có những vận mệnh hiển nhiên đến ngậm ngùi…


Ngày đó, vì nhiều lý do, cuối cùng tôi vẫn là người ở lại, với một động thái sống và làm nghề tích cực. Mỗi lúc một tích cực. Bởi lúc đó tôi tâm niệm: Dù ra đi hay ở lại, thì tôi cũng là người Việt Nam, tôi có làm gì thì cũng đừng để người ngoài người ta nghĩ rằng tôi không phải là người Việt. Ở lại, được học hành, đào tạo, được tạo điều kiện làm nghề và dần già có được chỗ đứng trong lòng công chúng, càng lúc tôi càng thấu suốt trách nhiệm của mình với cộng đồng, với mảnh đất mình đang sống và được thụ hưởng bao điều từ nó. Có thể nói, điều khiến tôi cảm thấy hãnh diện và an lòng nhất là thế hệ nghệ sĩ được đào tạo chính quy và được đặt lòng tin, tận cho đến hôm nay vẫn đang là những trụ cột tạo nên diện mạo cho nền sân khấu thành phố.


Cũng có lúc, tôi từng xấu hổ mình là người Việt Nam, từng tự hỏi tại sao mình lại phải sống ở đây? Nhưng may sao, sau đó tôi đã biết cách hắt cốc nước vào mặt mình để giúp mình ra khỏi cơn u mê đó. Phải, ta có thể không hài lòng ngôi nhà của mình vì lẽ này kia, nhưng không thể vì thế mà ngồi yên một chỗ không làm gì, hay thậm chí còn xả thêm rác. Phê phán, chém gió… - ích gì cơ chứ! Thay vì thế, bạn hãy xắn tay áo để làm một việc gì đi, dù là việc nhỏ nhất, để góp phần thay đổi môi trường sống. Bất luận bạn là ai, làm nghề gì, thì bạn trước hết phải là một thực thể sống đã, có nhận thức, có chuyển động, có kết nối…


Vì thế mà lúc này nhìn lại, tôi không cảm thấy phải hổ thẹn với lương tâm. Vượt lên trên mọi định kiến, cuối cùng sẽ là lương tâm Việt. Từ trái tim công dân của mình, tôi luôn tin là thế.


Bạn biết tôi học điều đó từ ai không?


Chính là từ Sài Gòn của tôi đó. Sự cởi mở của nó. Sự bao dung của nó. Chỉ có thể có ở một vùng đất mở.


Ở Sài Gòn, rất khó nói ai là người Sài Gòn gốc. Với cả nước, Sài Gòn thậm chí còn có lúc bị mang tiếng là mảnh đất “tứ chiếng giang hồ”, là nơi “đất dữ”, “đất nông”, “đất nghèo bản sắc”… Vậy nhưng, hầu như ai đến Sài Gòn cũng có thể tìm thấy một chỗ đứng cho mình, trong vòng tay hào sảng và bao dung của nó. Biết bao số phận trở nên “phì nhiêu, màu mỡ” cũng chính nhờ cái đất Sài Gòn này. Rồi thì mỗi lần nghe đâu có bão lũ, thiên tai, người Sài Gòn - từ chị tiểu thương đến anh xe ôm bao giờ cũng ráng giang tay che chở, bảo bọc - như một cách chia sớt may mắn của mình với những đồng bào không may mắn. Sài Gòn ít gặp thiên tai, nhưng họ chưa bao giờ ngủ quên trên sự may mắn đó. Họ thức cùng đất nước.


Rồi thì ngay trong ẩm thực cũng thế. Bất cứ món ăn nào ngoài Bắc hay từ miền Trung kéo vô đây, dân Sài Gòn cũng đều vui lòng khám phá, không nhăn mặt, không kỳ thị. Hay một đoàn kịch từ ngoài Bắc vào, người Sài Gòn cũng đều kéo đi xem, không xét nét, không kẻ cả. Cái sự đón nhận nhau, lắng nghe nhau, làm quen nhau, cho nhau một cơ hội… trong đời sống cũng như nghệ thuật ở người Sài Gòn, phải nói là nó thoáng đãng và khoáng đạt hơn hẳn ngoài Bắc, theo những gì mà tôi quan sát.


Và vì thế, tôi luôn yêu Sài Gòn như chính Sài Gòn đã yêu tôi hay yêu bất cứ ai đã đánh đường tìm đến nó. Đường thì đúng là xa ngái, nhưng chẳng đâu, khoảng cách giữa người với người lại gần nhau như ở Sài Gòn…







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét