Lứa tuổi học sinh rất cần được tư vấn về tâm, sinh lý tại trường học. Ảnh: B.D
"Đánh đồng giáo viên tư vấn với giám thị, mở phòng tư vấn chỉ để cho "có", đội ngũ tư vấn vừa thiếu, vừa yếu…" đang là thực trạng chung tại các trường THPT ở TPHCM hiện nay. Sáng 21.1, Sở GDĐT TPHCM đã phối hợp với Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP tổ chức hội thảo, nhằm khắc phục thực trạng trên, hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn trường học.
Ông Trần Hồng Tâm (GV Trường THCS Hồng Bàng) nêu lên một thực tế: Khi còn công tác tại một trường THPT ở quận Thủ Đức, mặc dù tốt nghiệp khoa tâm lý và được tuyển dụng, nhưng khi làm việc, anh lại được nhà trường phân công làm... giám thị. Phòng giám thị cũng chính là phòng tư vấn khiến cho hầu như không có học sinh nào muốn tìm đến để nhờ tư vấn. Trong khi tư vấn cần phải tạo được không khí thoải mái, an toàn và thân thiện, cần phải có sự đầu tư về bàn ghế, đèn, rèm... để học sinh cảm thấy yên tâm. Chính giáo viên tư vấn lại bị các giáo viên khác trong trường gièm pha, thiếu tin tưởng. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ để GV tư vấn có thể toàn tâm, toàn ý với công việc.
Một khó khăn nữa đối với giáo viên tư vấn chính là sự bất hợp tác của gia đình học sinh. Một GV tư vấn đã gặp phải sự xua đuổi của phụ huynh khi đến nói chuyện về tình trạng mất cân bằng tâm lý, chán ăn, mất ngủ, lực học giảm sút của một học sinh. GV này chia sẻ: "Tôi thấy bất lực khi không biết phải làm thế nào để cha mẹ em nhìn ra vấn đề, cùng hợp tác với giáo viên tư vấn”!
Theo GV Phạm Thị Bích Phượng - cán bộ tư vấn Trường THPT Marie Quirie - để các em học sinh tìm đến với mình, trước hết GV tư vấn phải biết thu hút, lắng nghe, biết chia sẻ và phải tạo được niềm tin đối với học sinh. Nhiều em HS gặp phải vấn đề trở ngại về tâm lý đối với việc học hành, trường lớp, chuyện cha mẹ xô xát, ly hôn, những vấn đề về tình bạn, tình yêu, tình dục và giới tính... Nếu không có sự động viên, chia sẻ và định hướng, các em rất dễ có những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển sau này.
TP chỉ có 9 người dự tuyển giáo viên tư vấn!
Ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên Sở GDĐT TPHCM - cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin khiến cho HS tiếp cận dễ dàng với những trào lưu, lối sống thực dụng, sống vội... Sự bùng phát của nạn bạo lực cũng đã tác động xấu đến các em học sinh, lứa tuổi đang rất cần được chia sẻ, được cảm thông cũng như giải đáp các thắc mắc. Có những vấn đề tâm lý của học sinh rất cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý giáo dục. Thế nhưng thực tế cho thấy, lực lượng giáo viên tư vấn chuyên trách của các trường vẫn còn rất ít ỏi. Năm học 2013 - 2014, toàn TP chỉ có 9 ứng viên tham gia phỏng vấn tuyển dụng giáo viên tư vấn tâm lý vào các trường THPT, nhưng cũng chỉ có 3 người trúng tuyển. Điều này chứng tỏ tư vấn trường học vẫn chưa được coi là một công việc chuyên nghiệp, có sức hút đối với sinh viên sư phạm mới ra trường.
Hiện nay, cả TPHCM mới chỉ có khoảng 120 giáo viên tư vấn chuyên trách. Mặc dù đã có sự phát triển đáng kể (so với con số 29 GV tư vấn của năm 2011), nhưng vẫn là quá ít so với nhu cầu của 254 trường THCS, 121 trường THPT, chưa kể khối tiểu học, GDTX và CĐ, ĐH. Vì vậy, các trường phần lớn vẫn sử dụng giáo viên kiêm nhiệm, vừa giảng dạy vừa tư vấn học đường.
Với đội ngũ giáo viên tư vấn ít ỏi, lại không đúng chuyên môn tâm lý, thiếu kiến thức, kỹ năng... thì hoạt động tư vấn học đường không thật sự hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. Chuyên nghiệp hóa tư vấn học đường đang đặt ra cấp bách.
Tin bài liên quan
-
Hàng Trung Quốc đội lốt hàng “xịn” xâm nhập thị trường tết
-
Tình tiết mới vụ lãnh đạo ĐH Tài chính – Marketing bị tố vào khách sạn với vợ bạn
-
Xử “đại án” Huyền Như: “Siêu lừa” bật khóc nức nở khi nói lời sau cùng
-
Thu hàng trăm triệu một ngày nhờ bán cá chép ông Công, ông Táo
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét