Học sinh Hải Phòng. Ảnh: Lê Anh Tuấn
Trong đợt nghiên cứu và thăm dò của PEW, một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ tại Washington DC, vào mùa xuân 2013 về tình hình cải cách giáo dục toàn cầu trong thời đại mới, cơ quan này ghi nhận rằng, đã có 127 trên tổng số 195 quốc gia tiến hành cải cách giáo dục trong thập niên đầu thế kỷ 21.
Sau hơn ba mươi năm nước nhà thống nhất, thời gian trung bình của một thế hệ, vấn đề cải cách giáo dục Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chuyển động. Nhận định và viễn kiến có thể khác nhau, nhưng nỗi ưu tư và lòng mong muốn thì thật tương đồng:
Mối ưu tư chung là chương trình giáo dục và đào tạo Việt Nam chưa phát huy tác dụng cụ thể và thiết thực. Nền giáo dục Việt Nam, cả hình thức lẫn nội dung, quá nặng về tính chất “biểu kiến”, nghĩa là dày bề mặt mà mỏng chiều sâu nên không đáp ứng nhạy bén được nhu cầu phát triển và ứng dụng tri thức vào những vấn đề quốc kế dân sinh trong thời đại kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay. Những nguyên lý giáo dục đề ra để đối trị cấp thời với hoàn cảnh chiến tranh và tình trạng sản xuất tập thể, kinh tế bao cấp trong quá khứ – vô hình trung – vẫn còn năng lực quán tính tạo ra sức cản nặng nề. Do đó, chức năng sáng tạo và tinh thần chủ động là xương sống của sự phát triển giáo dục lành mạnh không có điều kiện phát huy. Mối ưu tư chung đã hình thành sự mong muốn chung là cần có một cuộc canh tân giáo dục thật sự chứ không phải là hình thức hô hào, trang trí khẩu hiệu.
Nội dung, hình thức, phương tiện, trách nhiệm và lãnh đạo sẽ như thế nào? Tất nhiên, câu trả lời không đơn giản nhưng cũng chẳng phải là “vô kế khả thi – không cách chi làm được!”. Cải cách giáo dục không phải là một phong trào quần chúng nhất thời mà là một kế sách lâu dài có tầm mức sinh tồn của quốc gia. Thế hệ tương lai là sản phẩm của gia đình và xã hội nhưng là xương sống của một nền giáo dục mang tính quyết định cho sự phồn vinh của đất nước.
Khuynh hướng canh tân giáo dục Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết của đất nước trước những thách thức thời đại và yêu cầu chính đáng mang tính quyết định cho tương lai dân tộc. Vấn đề quá hiển nhiên và đã chín muồi nên im lặng là buông xuôi và đầu hàng, phó mặc cho thói quen và định kiến đóng vai trò quyết định. Đại chúng ao ước từ lâu đã đành, nhưng giới lãnh đạo cũng bắt đầu lên tiếng. Ngày 31.7.2013, tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng rằng “Khâu quản lý thi cử và quản lý chất lượng người thầy đã bị buông lỏng cần được chấn chỉnh”. Ngày 19.9.2013, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Nguyễn Vinh Hiển đã thông báo việc hoàn thành sửa đổi dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Là một người đã trực tiếp làm công việc giảng dạy tại các trường trung học ở Việt Nam trước và sau năm 1975; cũng như giảng dạy tại các đại học Mỹ, tôi có cơ hội tiếp cận với nhà trường, học sinh và sinh viên trong cả ba môi trường giáo dục có nội dung lẫn hình thức khác nhau. Đồng thời, thường xuyên trao đổi những thông tin cập nhật trong lĩnh vực giáo dục từ trong nước cũng như bên ngoài để tham khảo và học hỏi. Càng ngày, tôi càng có cảm tưởng nền giáo dục Việt Nam bị chậm lại về các mặt thông tin, sáng kiến và ứng dụng so với các nước quanh vùng và phương Tây.
Trong vài chục năm qua, tôi đã theo dõi nhiều diễn văn, tham luận, đề cương từ trong nước, bày tỏ mối quan tâm về sinh hoạt và cải tiến nền giáo dục ở Việt Nam, nhất là những lần có họp hành, đại hội. Nhưng những lời kêu gọi hùng hồn, những đề án to tát, những ngôn ngữ cường điệu và có khi sáo mòn trống rỗng là những viên thuốc an thần hay kích thích chỉ có mục đích “áo thụng vái nhau” hơn là thực tiễn.
Tiếp cận với môi trường giáo dục phương Tây, đặc biệt là ở xứ Mỹ, tôi không hề nghe ai hô hào cải cách sáo rỗng như thế, nhưng chương trình, nội dung và phương tiện giáo dục thay đổi nhanh chóng từng năm học; thậm chí, thay đổi từng học kỳ, học khóa. Nếu có một sự xuống cấp, một hiện tượng thoái trào trong nội dung giáo dục ở cấp thành phố, hay tiểu bang xảy tới là tức thời được đưa ra công luận mổ xẻ và sửa sai ngay. Có lẽ nhờ vậy mà dòng lịch sử trẻ trung của Mỹ đã đưa chất lượng giáo dục lên hàng ưu thế với 2683 trường đại học năm 2013. Cụ thể là trong số 20 trường đại học được xếp loại hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm 17 trường, Anh chiếm 2 trường (Oxford và Cambridge), Thụy Sĩ chiếm 1 trường (Zurich).
Khi còn đứng trên bục giảng ở trong nước, nhất là sau năm 1975 khi cả thầy trò đều phải lao đao với miếng cơm manh áo, hễ nghe nói đến trí thức nước ngoài, từ Mỹ, từ Pháp, Liên Xô, Nhật Bản, Hàn Quốc… về nước, mình vẫn có cái mặc cảm tự ti thua kém. Nhưng đến khi có cơ hội chen vai thích cánh bình đẳng với cộng đồng thế giới, cả khi ngồi trong lớp học và lúc đứng trên bục giảng, đã bao lần tôi xúc động với lòng tự hào dân tộc là dân Việt mình không hề thua kém trí thông minh, óc nhạy bén và nghệ thuật sống còn khéo léo, phản ứng quyền biến linh động trong mọi hoàn cảnh so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, trong một số lớp học tôi phụ trách có sinh viên Việt Nam mới qua Mỹ du học đều có một khuyết điểm rất lớn là tính thụ động. Các em học hành rất siêng năng, chăm chỉ, làm bài tập ở nhà cũng như ở lớp nghiêm túc nhưng rất hiếm khi có em nào tham gia vào các sinh hoạt kể cả nội khóa và ngoại khóa. Lúc đầu tôi cứ nghĩ sinh viên Việt Nam thụ động là do trở ngại về ngôn ngữ và văn hóa. Nhưng sau khi trao đổi, chia sẻ và phân tích với các em, tôi mới thấy rõ đó là do hậu quả của một chương trình giáo dục còn nhiều khiếm khuyết từ trong nước.
Vấn đề canh tân giáo dục cũng chỉ mới ở mức độ một câu hỏi đặt vấn đề hơn là một câu trả lời có nội dung ứng dụng được. Mong rằng, với câu trả lời nghiêm cẩn, có trách nhiệm và có nội dung thực tiễn, giáo dục sẽ hiện ra tươi mới như mùa xuân.
Sacramento, mùa đông 2013
Tin bài đọc nhiều
-
Trung Quốc: Tử hình kẻ hiếp dâm và sát hại “nô lệ tình dục“
-
Mẹ chi hàng ngàn USD đăng thư trên trang nhất báo gọi con về ăn tết
-
Triều Tiên xây hàng loạt ụ súng phòng Trung Quốc tấn công
-
Bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, một nửa dân Hàn Quốc sốc nặng
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét