“Vô cảm là căn bệnh tưởng đã hết thuốc, nhưng trong năm qua, có những lúc, thật mạnh mẽ, niềm tin vào những điều tử tế tốt đẹp của cuộc sống đã trở lại. Nó thực sự là câu chuyện thức dậy niềm tin nổi bật và có ý nghĩa nhất của 2013 này” – người làm ra Việt phủ nói.
Hãy nhớ lại, động lực nào đã khiến ông bắt tay vào xây dựng Việt phủ? Niềm tin lớn nhất của ông lúc đó là gì?
- Tôi xây Việt phủ để thỏa mãn niềm tin, quan điểm về cách bảo tồn, và cũng là một đóng góp của mình trong việc bảo tồn di sản văn hóa đất nước.
Tôi tin cái còn lại cuối cùng của đời sống loài người là văn hóa. Cho dù bất kỳ điều gì thay đổi, thì văn hóa của đất nước ấy, của dân tộc ấy vẫn còn lại muôn đời.
Tôi cũng tin nhận thức của xã hội sẽ ngày một tiến bộ.
Theo thời gian, niềm tin đó có bị mai một không?
- Niềm tin đó chưa bao giờ lung lay. Tới giờ phút này, như chị thấy đấy, sự phát triển của xã hội đang dần chứng minh cho niềm tin đó của tôi.
Xây dựng một công trình “để đời” và đầu tư vào đó nhiều công sức, tiền của nhưng lại trên một mảnh đất “tạm”, điều gì đã khiến ông tin rằng bấy nhiêu kia sẽ không bị trôi sông trôi biển?
- “Đất tạm” là tạm về quản lý, chứ đất thật thì mãi còn, và văn hóa của dân tộc ấy, nằm trên mảnh đất ấy thì mãi trường tồn.
Tôi tin vào những giá trị của văn hóa truyền thống.
Tôi tin vào những điều tử tế đẹp đẽ sẽ cảm hóa và thay đổi được những điều xấu xa đồi bại...
Lúc này, nếu cho làm lại, ông còn dám xây Việt phủ? Và nếu được “hô biến”, ông có muốn biến Việt phủ thành một cái gì đấy (ở dạng mô hình chẳng hạn) thật nhỏ xinh, để không lo phải tìm “nơi trao gửi”?
- Muốn “hô biến” thì tôi muốn được biến Việt phủ Thành Chương lung linh nằm giữa New York! Nếu được thế thì còn gì hay và tốt hơn cho việc bảo tồn, tôn vinh, phát triển và quảng bá văn hóa của mình.Thế là chả phải lo tìm kiếm nơi trao gửi. Nghe cũng hấp dẫn đấy chứ!
Ông từng nói ông đang mơ đến một Việt phủ thứ 2 trong khi Việt phủ thứ 1 - như ông nói - đã là “công trình cả một đời”. Giấc mơ ấy hiện còn không?
- Chưa lúc nào tôi ngừng mơ đến một Việt phủ thứ hai. Nhưng mơ là một đằng, còn thực hiện nó là một chuyện khác hẳn. Ai cũng có thể mơ. Nhưng làm thì không phải ai cũng làm được. Mơ Việt phủ 2 thì trước tiên phải mơ mình có thật nhiều tiền và có cơ duyên đã. Mà ở đời này, tôi thấy rằng trong muôn vàn cái khó thì kiếm tiền là việc khó nhất. Còn lúc này thì… bình yên là may mắn rồi!
Không tin sao sống được!
Sự ra đi của Tướng Giáp và thái độ bày tỏ niềm tôn kính, tiếc thương một thần tượng của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ đã khiến câu chuyện về niềm tin trở nên là một câu chuyện nổi bật nhất trong năm 2013. Ông có đồng ý với nhận định đó?
- Đã lâu lắm rồi tôi mới lại có được cái tình cảm ấy. Lặng người đi rưng rưng xúc động khi chứng kiến các tầng lớp nhân dân từ già tới trẻ tự nguyện, trật tự kề vai sát cánh bên nhau nghẹn ngào tiếc thương tiễn đưa một người, như Tướng Giáp.
Hình ảnh ấy, tình cảm ấy đã quá lâu rồi vắng bóng trong đời sống của dân ta. Nó làm cho chúng ta nguôi ngoai, quên đi sự mất mát quá lớn của niềm tin. Vô cảm là căn bệnh tưởng đã hết thuốc, nhưng trong năm qua, có những lúc, thật mạnh mẽ, niềm tin vào những điều tử tế tốt đẹp của cuộc sống đã trở lại. Nó thực sự là câu chuyện thức dậy niềm tin nổi bật và có ý nghĩa nhất của 2013 này. Thật đẹp đẽ!
Bên cạnh những con người phi thường, còn là những con người bình thường như: Chị Nguyệt “Hoài Đức” – người tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm, anh Nguyễn Tài Dũng – Giám đốc Sở Công thương Nghệ An hy sinh trên đường cứu trợ đồng bào lũ lụt… Hay gần đây, là vụ án oan 10 năm, nhờ vào tấm lòng của một người vợ và những đứa con. Theo ông, khi niềm tin được đặt vào những người bình thường, hơn là phi thường ấy, nó cho chúng ta giá trị sống gì?
- “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi tin như thế và tính bản thiện chính là cái gốc, cái cốt lõi tốt đẹp của con người. Những chị Nguyệt, anh Dũng, chuyện người tù oan Nguyễn Thanh Chấn… làm cho chúng ta tin vào cuộc sống thật sự là còn đẹp đẽ và có ý nghĩa. Đúng thế không?
Theo ông, giá trị nào là đáng kể nhất của việc sống có lòng tin?
- Vợ chồng không tin nhau thì sống chung làm sao được. Không tin nhau làm sao kinh doanh được. Hơn lúc nào hết lúc này chúng ta cần có niềm tin. Lòng tin là gốc của cuộc sống. Sống không có lòng tin là chết.
Ngược lại, hệ lụy nào là đáng sợ nhất của việc mất niềm tin, ở một cá nhân nói riêng và một xã hội nói chung?
- Có ai đó đã nói: Thà tin nhầm còn hơn nghi ngờ thật. Tôi thấy hơi bị ngại kiểu suy nghĩ này. Dù rằng vẫn biết nhiều khi phải tin nhầm, và vẫn biết là nhầm mà vẫn cố tin vì không tin nữa thì khó sống quá. Mất niềm tin ở một cá nhân đã sợ lắm rồi. Mất niềm tin vào cả một xã hội thì kinh khủng lắm.
Trong đời mình, lúc ông tin nhất (vào một ai đó, hay một cái gì đó) là lúc nào? Và lúc nào là ông khủng hoảng niềm tin nhất?
- Ấy là lúc theo tiếng gọi của Bác Hồ - vui tươi, phấn khởi, hồ hởi, tự hào lấy máu của mình viết đơn tình nguyện nhập ngũ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chống Mỹ.
Ai cũng hiểu cái quí giá trên đời này là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần… nhưng khi mình tin vào sự cao cả của cái lý tưởng đẹp đẽ ấy, nó thực sự là “niềm tin tất thắng sáng ngời”. Nếu có hy sinh vì nó thì cũng đáng – vậy nên coi cái chết cho cái lý tưởng ấy nhẹ tựa lông hồng…
Tôi quen biết rất nhiều người suốt ngày sểnh ra là chửi đổng nhưng khi cần, họ lại có thể “nhũn như con chi chi”. Và lắm khi bạn bè chí cốt, anh em máu mủ ruột thịt chỉ vì một chút danh lợi, một chút thôi, là họ đã bán đứng mình rồi…
Hãy nhìn về 2014, điều gì ông hy vọng nhất ở năm tới? Mấy năm nay, người dân năm nào cũng hy vọng bức tranh kinh tế sẽ khá lên nhưng chưa thấy rõ. Điều đó có khiến ông nản lòng?
- Tôi nghĩ tin hay không đều khó. Thế mới khó! Thôi thì cứ hy vọng năm tới sẽ tốt hơn năm nay. Ai mà không mong thế.
Kinh tế mà đi xuống thì còn cái gì mà lên được, văn hóa cũng chẳng ngoại lệ…
Mà thôi, mình cứ phải tin rằng kiểu gì thì kiểu, năm mới cũng sẽ phải tốt đẹp hơn. Chứ sống mà không tin thì sống thế nào!
Tôi tin cái còn lại cuối cùng của đời sống loài người là văn hóa. Cho dù bất kỳ điều gì thay đổi, thì văn hóa của đất nước ấy, của dân tộc ấy vẫn còn lại muôn đời.
Tin bài liên quan
-
Những lời chúc Tết Giáp Ngọ hay nhất, nhận phước lộc (p4)
-
Hà Nội: Đào vào thùng rác sớm, quất, mai rớt giá thảm hại
-
Tết con không về: Tết đầu xa con của người mẹ trẻ…
-
Dịch vụ rửa xe đồng loạt “thổi giá” dịp cuối năm
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét