Suốt 36 năm nay, chị Nguyễn Thị Quyết (48 tuổi, ở thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) phải nằm liệt vì căn bệnh teo cơ “duchenne” đeo đẳng từ khi mới lên 12 tuổi. Căn bệnh khiến chị như chết mòn trên chiếc sạp tre cũ nát ở một góc buồng tăm tối.
Bệnh tật còn khiến cho cuộc sống gia đình chị lúc nào cũng u ám, chìm đắm trong nghèo khổ, không thể bứt ra.
Cả đời người chỉ nằm trên sạp tre
Trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng nằm giữa một ngõ hẹp ở cuối làng, người mẹ già đang hì hụi đun thuốc bắc cho con dưới bếp. Ngôi nhà trống huơ trống hoác, gia tài chẳng có thứ gì đáng giá ngoài hai chiếc giường cũ rích được đặt ở hai góc nhà. Giữa nhà là một bộ bàn ghế bằng gỗ đã mốc meo cũ kỹ vì thời gian. Trong góc buồng nhỏ hẹp, một người phụ nữ nằm cong queo, trên đầu tóc đã rụng gần hết.
Chiếc giường làm bằng sạp tre cũ nát mà 36 năm nay chị Quyết vẫn nằm giờ đã chuyển sang màu đen sạm, mốc meo, hôi hám. Không gian ảm đạm, tối tăm ấy chỉ có chút ánh sáng khi cánh cửa hé mở.
Mới nhìn, chị Quyết không khác gì một cành củi đang chết héo từng ngày, các lớp da ở chân, ở tay và cả bên trong lớp áo mà chị mặc cứ tự bong tróc ra từng mảng. Duy chỉ có ánh mắt khẽ đưa đi đưa lại nhìn chúng tôi như mong đợi một phép màu thần kỳ để hóa giải bệnh tật. Vì bị liệt lâu nên cánh tay phải của chị không thể cử động được, các ngón tay theo đó cũng đen sẫm lại rồi tự co quắt vào lòng bàn tay cứng đờ.
Cánh tay trái còn nhấc lên đặt xuống được, tuy nhiên trên các đốt ở đầu ngón đã rụng cụt gần hết, mỗi khi bị ngứa chị phải dựa vào những ngón cụt này để cầm một thanh tre làm que gãi.
Chị Quyết là con gái thứ hai trong một gia đình thuần nông, bố là ông Nguyễn Văn Cận, còn mẹ là bà Trương Thị Tủi, cả hai đều là người dân tộc Mường. Ông bà sinh được hai con trai, năm con gái. Lúc mới sinh, chị Quyết là một người lành lặn bình thường, nhưng đến khi lên 12 tuổi đột nhiên cơ chân, cơ tay không thể cử động được.
Gia đình thấy vậy đã mang chị đi bệnh viện khám nhưng bác sỹ bảo chị bị bệnh “teo cơ duchenne” rất khó chữa. Kể từ đấy, chị Quyết chỉ nằm liệt một nơi, về sau bà Tủi cứ nghe ai mách ở đâu có thuốc hay thầy giỏi là lại tìm đến bốc thuốc. Nhưng lấy thuốc uống đến mấy chục năm mà không đem lại kết quả.
Cuộc đời toàn một màu đen
Thương con nằm liệt, vợ chồng ông Cận, bà Tủi bàn với nhau lên đồi chặt luồng vác về ngâm, rồi bán lấy tiền đưa con đi Hà Nội khám chữa. Ông bà quần quật làm lụng, mong đợi một ngày cuộc sống sẽ khá hơn. Nhưng rồi mọi hy vọng và cả ý nghĩ vừa mới nảy nở bỗng chốc bị dập tắt vì ông Cận đột nhiên mắc chứng bệnh ung thư gan quái ác, cũng nằm liệt giường giống con gái, được 22 ngày thì mất.
Ngậm đắng nỗi đau khi trụ cột gia đình là người chồng qua đời, một mình bà Tủi oằn mình gắng sức lo từng bữa cơm manh áo cho người con liệt giường. Ban ngày, bà đi làm thuê làm mướn, đến tối mịt mới về đến nhà. Những lúc không có ai thuê, bà lại ra vườn trồng sắn trồng khoai.
Đến phiên chợ, người mẹ giàu nghị lực ấy dậy từ 3h sáng, lộc cộc luộc khoai, luộc sắn. Khi màn đêm trôi đi, ánh sáng mờ mờ của ngày mới còn ẩn hiện qua từng bờ cỏ bụi cây, bà đặt khoai sắn vào thúng, gánh bộ ra tận chợ huyện bán.
Cuộc sống mưu sinh cứ quanh đi quẩn lại như thế. Bỗng 11 năm sau, người anh trai cả mắc chứng bệnh ung thư giống như người cha đã mất. Vì nhà nghèo, không có tiền thuốc thang, nên anh con trai cứ thế mà héo khô đi từng ngày. “Lúc con trai tôi nhắm mắt xuôi tay, trong nhà cũng chẳng nuôi được con lợn, con gà nào, khi ấy tôi phải chạy sang nhà hàng xóm vay mượn mới mua được cỗ quan tài”, bà Tủi ngậm ngùi kể.
Từ khi anh trai mất, người con trai út là Nguyễn Văn Bảy phải đi phụ hồ thuê cho người ta tận ngoài Hà Nội, nửa năm mới về một lần. Trong ngôi nhà ấy, một mình bà cáng đáng mọi việc, từ thuốc thang, cơm nước rồi tắm giặt cho con. Chết chóc và bệnh tật giống như một định mệnh cứ reo rắc, bao trùm ngôi nhà tranh dột nát.
Những người con gái khác đều đã lấy chồng ở xa, hoàn cảnh cũng khó khăn, không phụ giúp được gì cho mẹ già và chị gái. Mỗi tháng chị Quyết được trợ cấp tiền bệnh tật 180 nghìn đồng, tuy nhiên số tiền đó quá ít ỏi không đủ để mẹ con chị trang trải cho cuộc sống tối thiểu.
Cuộc sống khó khăn trăm bề, chị Quyết bệnh ngày càng nặng thêm, bà Tủi giờ cũng không còn sức gánh khoai ra chợ bán nữa mà phải ở nhà trông con bại liệt. Màn đêm buông xuống trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, gió đông thốc vào từng cơn lạnh lẽo, người mẹ già ấy trằn trọc không ngủ được, bà lo sợ rồi nay mai bà chết đi ai sẽ là người chăm sóc cho con.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng thôn Mỹ Lợi cho biết: “Biết gia đình bà Tủi quá khó khăn, năm 2008, chính quyền xã và bà con trong xóm đã giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng cho căn nhà cấp 4 để mẹ con bà thoát khỏi cảnh lều tranh vách đất. Nhưng thôn cũng chỉ giúp được đến thế thôi”.
Tin bài liên quan
-
Người mẹ của những cảnh đời bất hạnh
-
Chuyển tiền hỗ trợ lần 2 tới nhiều cảnh đời
-
Trao 7 triệu đồng đến “Cảnh đời” 6 tháng tuổi bị chấn thương sọ não
-
Bạn đọc hỗ trợ 4 “cảnh đời” tại tỉnh Khánh Hòa
-
Cầu nối bạn đọc với các cảnh đời
-
Trao tiền hỗ trợ của bạn đọc đến ba cảnh đời
-
Trao tiền tới các cảnh đời
-
Trao tiền bạn đọc ủng hộ đến các cảnh đời
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét